Khó khăn
Tháng 6/2020, đồng chí Nguyễn Duy Thành, được bố trí, luân chuyển về xã Dân Chủ (Tứ Kỳ) đảm nhiệm chức vụ Bí thư Đảng ủy xã. Là Phó Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tứ Kỳ được luân chuyển về địa phương, đồng chí gặp không ít khó khăn. Khó khăn lớn nhất là môi trường mới, chưa hiểu về địa bàn, thói quen, nền nếp làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên ở đơn vị mới. Cùng với đó là nơi ăn, nghỉ ở xã không có cũng ảnh hưởng đến sinh hoạt, công việc. “Việc thay đổi nhiệm vụ công tác và phương thức quản lý từ cấp huyện sang cấp xã, đặc biệt là không phải người địa phương nên tôi không tránh khỏi những khó khăn, thách thức. Không phải người địa phương nên việc sâu sát thực tiễn, bao quát toàn diện, nắm rõ những ưu thế, đặc điểm riêng, nổi trội của địa bàn không thể bằng người địa phương được”, đồng chí Thành nói.
Theo Ban Tổ chức Huyện ủy Tứ Kỳ, hiện huyện mới có xã Dân Chủ thực hiện Bí thư cấp ủy cấp xã không phải người địa phương. Việc triển khai gặp một số khó khăn. Khó khăn nhất là tâm lý của người được luân chuyển, điều động, ngại thay đổi, ngại đi xa; một số nơi không muốn tiếp nhận cán bộ chủ chốt ở nơi khác đến. Bên cạnh đó điều kiện sinh hoạt, chế độ công tác của cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương cũng là một trở ngại.
Huyện Kim Thành hiện là một trong số ít đơn vị chưa thực hiện bố trí Bí thư cấp ủy cấp xã không phải người địa phương. Theo ông Trần Văn Hưng, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Kim Thành, ngoài việc địa phương chưa quyết liệt thực hiện còn do huyện đang thực hiện sắp xếp 8 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 4 đơn vị so với hiện nay). Đối với các đơn vị này, địa phương đang phải giải quyết, xử lý cán bộ dôi dư nên khó có thể thực hiện bố trí. Một số địa bàn lớn, xa trung tâm, việc bố trí Bí thư cấp ủy không phải người địa phương cần phải được cân nhắc, tính toán chu đáo.
Qua tìm hiểu tại một số địa phương khác, việc bố trí Bí thư cấp ủy cấp xã không phải người địa phương cũng gặp nhiều khó khăn như khi có kế hoạch điều động, bố trí một số cán bộ đã lấy lý do tuổi đã cao, sức khỏe không tốt, xa nhà, đi lại không tiện; trong khi quen thuộc địa bàn, gắn bó nhiều năm với chỗ cũ… để xin không thực hiện. Trong khi đó, ở một số địa phương đã bố trí Bí thư cấp ủy không phải người địa phương thì trong thực hiện nhiệm vụ, chính đội ngũ cán bộ, lãnh đạo địa phương lại có tư tưởng cục bộ, không ủng hộ cán bộ được luân chuyển. Vì vậy, đôi lúc có biểu hiện thiếu hợp tác, dễ dẫn đến việc Bí thư cấp ủy không phải người địa phương bị đơn độc trong tập thể. Hiện nay, tỉnh cũng chưa có chế độ, chính sách khuyến khích, hỗ trợ Bí thư cấp ủy cấp xã không phải người địa phương, nhất là đối với cán bộ luân chuyển từ xã này sang xã khác…
Kinh nghiệm ở nơi làm tốt
TP Hải Dương là địa phương có tỷ lệ Bí thư cấp ủy cấp xã không phải người địa phương nhiều nhất tỉnh. Toàn thành phố hiện có 22 trong tổng số 25 phường, xã có Bí thư cấp ủy không phải người địa phương, chiếm 88%. Dự kiến từ nay đến cuối năm, thành phố sẽ tiếp tục bố trí Bí thư cấp ủy cấp xã ở 3 phường còn lại là Cẩm Thượng, Thạch Khôi và Việt Hòa.
Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hải Dương Phạm Công Quân cho biết thời gian qua thành phố luôn quan tâm công tác luân chuyển cán bộ, luân chuyển cán bộ từ cấp thành phố về giữ các vị trí chủ chốt cấp xã, từ xã này sang xã khác, phường này sang phường khác. Quá trình lựa chọn, luân chuyển bảo đảm công tâm, khách quan, đúng nguyên tắc, quy trình. Thành phố thường xuyên tạo điều kiện, hỗ trợ để các trường hợp luân chuyển hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trước khi thực hiện luân chuyển, bố trí, Thành ủy Hải Dương làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương cả nơi cán bộ đi và đến, giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân thống nhất trong nhận thức việc thực hiện chủ trương này là cần thiết, thường xuyên trong công tác cán bộ. Nhiều đồng chí đã ghi dấu ấn đậm nét ở địa bàn công tác, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong tập thể cấp ủy, chính quyền, giải quyết được nhiều vấn đề còn tồn tại ở địa phương, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm.
Tháng 2/2022 đồng chí Chánh Văn phòng Thành ủy Phạm Đình Việt Đức được Ban Thường vụ Thành ủy Hải Dương điều động về công tác tại Đảng ủy phường Thanh Bình, chỉ định giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy phường Thanh Bình. Đồng chí Bí thư Đảng ủy phường đã dành nhiều thời gian đi cơ sở, tìm hiểu thực tế tại từng khu dân cư; chủ động gặp gỡ, trao đổi với các đồng chí nguyên cán bộ phường để nắm bắt tình hình địa phương… Bằng nhiều giải pháp, từ năm 2022 đến nay, phường Thanh Bình đã có những bước tiến mới trong công tác Đảng và chính quyền. Thu ngân sách của phường luôn vượt từ 1,5-2 lần/năm. Công tác cải cách hành chính liên tục tăng bậc, năm sau cao hơn năm trước. 3 năm qua, Đảng bộ phường Thanh Bình đều hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên…
Đối với huyện Nam Sách, việc bố trí Bí thư cấp ủy cấp xã không phải người địa phương được Ban Thường vụ Huyện ủy thực hiện từ nhiều năm nay. Nổi bật trong công tác này là ngoài luân chuyển cán bộ từ huyện xuống xã, thị trấn, Ban Thường vụ Huyện ủy đã điều động, luân chuyển Bí thư cấp ủy từ xã này sang xã khác, trong đó gắn liền chủ trương bố trí Bí thư cấp ủy không phải người địa phương. Để thực hiện hiệu quả chủ trương này, Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Sách thường xuyên tổ đã đánh giá cán bộ, làm tốt công tác tư tưởng, từ đó bảo đảm giao đúng việc, đúng người… Hiện nay huyện Nam Sách đã có 7 xã, thị trấn có Bí thư cấp ủy cấp xã không phải người địa phương, chiếm 36,8%. Đây cũng là một trong những địa phương có tỷ lệ Bí thư cấp ủy cấp xã không phải người địa phương cao ở tỉnh.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, nhiều địa phương ở Hải Dương thực hiện hiệu quả chủ trương Bí thư cấp ủy cấp xã không phải người địa phương. Thực hiện Bí thư cấp ủy cấp xã không phải người địa phương đã góp phần khắc phục tư tưởng cục bộ, tạo những thay đổi đáng kể trong tác phong, phương pháp, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên. Từ các đồng chí điều động, luân chuyển đến các cán bộ, đảng viên tại địa phương đều nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Nhiều đồng chí sau thời gian điều động, luân chuyển được bổ nhiệm ở những vị trí cao hơn…
Nhiệm kỳ 2025-2030, Hải Dương phấn đấu trên 30% Đảng bộ xã, phường, thị trấn thực hiện bố trí Bí thư cấp uỷ không phải người địa phương. Để đạt được mục tiêu trên rất cần sự quyết tâm cao của Ban Thường vụ các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy và cấp ủy cơ sở trong tỉnh.
Môi trường tốt để đào tạo, rèn luyện cán bộ
Tháng 4/2022, tôi được Ban Thường vụ Thành ủy Chí Linh điều động về công tác tại Đảng ủy phường Tân Dân, chỉ định giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy phường. Bản thân tôi luôn cố gắng, tranh thủ lắng nghe, tiếp thu ý kiến của cán bộ, đảng viên trong phường, chủ động nắm bắt tư tưởng, dư luận của từng chi bộ, từng ngành, địa bàn để tranh thủ, quy tụ được sức mạnh của tập thể cán bộ, tập thể Ban thường vụ Đảng ủy, đội ngũ cán bộ đảng viên, quần chúng nhân dân trong xã. Từ đó đưa ra được các chủ trương bảo đảm phù hợp thực tiễn và phát huy được thế mạnh địa phương.
Từ Đảng bộ ở mức hoàn thành nhiệm vụ, năm 2023 phường Tân Dân đã vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 100% chỉ tiêu về công tác Đảng, phát triển kinh tế – xã hội đều đạt và vượt kế hoạch. Phường không có đơn thư tố cáo, khiếu nại phải giải quyết.
Tôi cho rằng chủ trương bố trí Bí thư cấp ủy cấp xã không phải người địa phương rất đúng đắn. Việc này góp phần khắc phục tình trạng cục bộ, nể nang, né tránh trong lãnh đạo, chỉ đạo và tạo cơ hội để người được đảm nhiệm chức vụ khẳng định năng lực, tích lũy được nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn cơ sở.
Nguyễn Văn Chuyền, Bí thư Đảng ủy phường Tân Dân (Chí Linh)
Cần có chính sách hỗ trợ đặc thù
Hiện thị xã Kinh Môn có 5 phường, xã trong tổng số 23 xã, phường (chiếm 21,7%) có Bí thư cấp ủy không phải là người địa phương. Các đồng chí luân chuyển về địa phương giữ cương vị Bí thư cấp xã đã phát huy được vai trò, giải quyết được nhiều vấn đề còn tồn đọng của cấp ủy, chính quyền địa phương. Nhiều đồng chí đã ghi dấu ấn đậm nét ở địa bàn công tác, tạo sự đoàn kết trong tập thể cấp ủy, chính quyền, góp phần quan trọng vào sự bứt phá của địa phương.
Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ được luân chuyển về làm Bí thư cấp ủy cấp xã hiện không có chính sách hỗ trợ, nhất là việc hỗ trợ chi phí đi lại, nơi ăn, ở… Tất cả đội ngũ này đều phải tự khắc phục để thực hiện nhiệm vụ nên ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý, chất lượng công việc.
Để khuyến khích, tạo thuận lợi cho việc bố trí Bí thư cấp ủy cấp xã không phải người địa phương, tỉnh nên quan tâm, có chế độ chính sách hỗ trợ đặc thù đối với lực lượng này như nhà công vụ, hỗ trợ kinh phí một lần hoặc hỗ trợ thêm hằng tháng, hỗ trợ tiền thuê nhà, tiền xăng xe đi lại, nâng lương trước thời hạn một năm…
Hà Đình Chiến, Trưởng Ban Tổ chức Thị ủy Kinh Môn
VY LAN
Nguồn: https://baohaiduong.vn/thuc-hien-bi-thu-cap-uy-cap-xa-khong-phai-nguoi-dia-phuong-o-hai-duong-kho-de-do-muc-do-quyet-tam-393836.html