Tìm kiếm cơ hội
Công ty TNHH Thương mại công nghệ và Du lịch Ánh Dương (TP Hải Dương) được thành lập vào năm 2007, hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực vận tải hành khách và dịch vụ du lịch. Khi doanh nghiệp đang dần kinh doanh ổn định thì tới năm 2021 lại đối mặt dịch Covid-19. Ngành nghề của công ty bị cấm hoạt động trong thời gian dịch bệnh bùng phát đã ảnh hưởng tới tình hình kinh doanh. Sau khi cân nhắc, lãnh đạo doanh nghiệp quyết định tạm dừng hoạt động. Đầu năm 2023, công ty mới đăng ký hoạt động trở lại dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Anh Phạm Văn Điệp, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại công nghệ và Du lịch Ánh Dương cho biết nhiều năm hoạt động, công ty đã có những bạn hàng tin cậy. Vì thế, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế có sự phục hồi, doanh nghiệp mong muốn khôi phục, hoạt động trở lại để nắm bắt, tận dụng những lợi thế mới. Hiện tình hình kinh doanh của công ty chưa thể bằng thời điểm trước dịch song đã có những chuyển biến tích cực.
Công ty CP Thương mại dịch vụ Hùng Thịnh (Chí Linh) mới thành lập từ năm 2021 đã đối mặt với “sóng gió” do dịch bệnh nên phải thông báo ngừng hoạt động. Doanh nghiệp này cũng vừa tái gia nhập thị trường từ giữa năm 2023 và đã nhanh chóng thay đổi chiến lược kinh doanh để thích nghi trong điều kiện mới. Hoạt động ở mảng xây dựng nhiều cạnh tranh trong khi thị phần ngày càng thu hẹp, doanh nghiệp chủ động tìm đối tác ở các tỉnh, thành phố khác. Gần đây, kinh tế có dấu hiệu khởi sắc song vẫn nhiều rủi ro khi giá vật liệu tăng cao, lạm phát khiến người dân thắt chặt chi tiêu, ít đầu tư cho xây dựng.
Anh Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc Công ty CP Thương mại dịch vụ Hùng Thịnh cho hay với lần trở lại này, công ty tập trung vào làm dịch vụ thủy lợi ở các tỉnh miền Trung để giảm bớt cạnh tranh. Sau khi dần ổn định, công ty sẽ hướng tới những mục tiêu mới. Đăng ký hoạt động trở lại giúp doanh nghiệp có đầy đủ tư cách pháp nhân thực hiện các hợp đồng lớn.
Cần trợ lực
Năm 2023, Hải Dương ghi nhận những kết quả tích cực trong phát triển doanh nghiệp. Bên cạnh số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao (hơn 1.800 doanh nghiệp, đạt mục tiêu đề ra) thì số lượng doanh nghiệp quay lại thị trường cũng khá. Trong năm, tỉnh có gần 1.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại, tăng 12,6% so với năm trước. Những con số này cho thấy tín hiệu phục hồi tích cực của cộng đồng doanh nghiệp trước những thách thức của nền kinh tế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trở lại thị trường phần lớn có quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên khả năng thích ứng không cao, dễ gặp rủi ro khi gặp biến cố.
Công ty TNHH Dịch vụ thương mại xe nâng An Phú (TP Hải Dương) vừa hoạt động trở lại song vẫn chưa có giải pháp phát triển kinh doanh cho thời gian tới. Theo đại diện công ty, doanh nghiệp đăng ký trở lại để hoàn thiện nốt các đơn hàng đã ký kết, còn thực tế vẫn đang loay hoay về phương hướng hoạt động sắp tới. Vì hoạt động kinh doanh khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động khi vừa mới thành lập chưa lâu. Trong thời điểm này, doanh nghiệp rất cần “phao cứu sinh” để trợ lực về vốn, chính sách. Đồng thời cơ quan chức năng cần có hướng dẫn để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn ưu đãi.
Theo ông Lê Hồng Diên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, doanh nghiệp trở lại thị trường tăng cao không chỉ minh chứng cho sự phục hồi kinh tế mà còn thể hiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh có nhiều cải thiện. Thời gian qua, với chức năng, nhiệm vụ được giao, sở đã tham mưu cho UBND tỉnh nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Trong đó quan tâm tới những doanh nghiệp mới thành lập và doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại.
Sở tập trung tham mưu, đề xuất các nhiệm vụ liên quan tới cải cách thủ tục hành chính, tổng hợp kiến nghị của doanh nghiệp để báo cáo tỉnh giải quyết kịp thời, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Để doanh nghiệp an tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư, kinh doanh tại tỉnh, sở cũng mong muốn các cơ quan, đơn vị tích cực phối hợp cùng ngành kế hoạch và đầu tư đồng hành cùng doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
PV