Các doanh nghiệp lữ hành trong nước nhận định hai năm nay tour, combo du lịch nước ngoài tầm trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Một số điểm đến tại Đông Nam Á và Đông Bắc Á là lựa chọn hàng đầu của du khách Việt vì mức giá phải chăng, áp đảo tour tuyến trong nước trong bối cảnh giá vé máy bay nội địa tăng cao.
Theo Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản tại Việt Nam (JNTO), hai tháng đầu năm, lượng khách Việt đến Nhật đạt hơn 107.000 lượt, tăng 40% so với cùng kỳ 2019. Số khách Việt đến Nhật tháng 2 cao nhất từ trước đến nay, vượt hơn 60.000 lượt. Tháng cao nhất trước đó là 2/2023 với 55.800 lượt.
Đại diện JNTO cho biết khách Việt đến Nhật tăng đột biến vào tháng 2 là do Tết Nguyên đán nghỉ lễ dài ngày, đồng yên giảm giúp các tour đi Nhật rẻ hơn so với trước dịch, sự yêu thích của khách Việt đối với Nhật ngày càng tăng. Lượng khách Việt đến Nhật trong tháng 3 và 4 chưa công bố nhưng được dự đoán tăng tăng vì vào mùa hoa anh đào nở rộ.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Điều hành Klook Việt Nam, cho biết nền tảng du lịch trực tuyến này ghi nhận nhu cầu du lịch đến Đông Bắc Á của khách Việt tăng khoảng 63% vào tháng 3 – thời điểm hoa anh đào vào mùa bung nở. 87% du khách được hỏi cho rằng họ dành trọn vẹn một chuyến đi chỉ để ngắm hoa nở. Ông Huy Hoàng cho hay du khách sẵn sàng đầu tư thời gian và chi tiêu mạnh tay cho các chuyến đi ngắm hoa mùa xuân. Hơn một nửa người dùng Việt trên nền tảng Klook mong muốn dành khoảng 2 tuần du lịch mùa hoa và chi tiêu trung bình lên đến 2.500 USD.
Đài Loan và Hàn Quốc cũng ghi nhận lượng khách Việt tăng trong quý I. Tính riêng trong tháng 1, lượng khách Việt đến Đài Loan đạt 17.110 lượt, đứng thứ 10 trong top 10 thị trường trọng điểm, theo thống kê của Cục du lịch Đài Loan.
Tổng cục du lịch Hàn Quốc (KTO) cho biết trong quý I có gần 120.000 lượt du khách Việt đã ghé thăm nước này, tăng 38,9% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2019. Năm 2023, Việt Nam là thị trường đứng đầu Đông Nam Á cả về số lượng khách du lịch nói chung và khách du lịch MICE nói riêng đến Hàn Quốc. Năm 2023, Hàn Quốc đã đón hơn 420.000 lượt khách du lịch Việt Nam.
Nhằm thu hút khách Việt, KTO đẩy mạnh quảng bá 100 điểm đến hấp dẫn nhất Hàn Quốc, trong đó có Gangwon, nơi khách Việt được miễn thị thực nếu đến Gangwon qua quốc tế Yangyang.
Ông Thi Quốc Duy, Giám đốc trung tâm du lịch khách lẻ của BenThanh Tourist, cho biết kỳ nghỉ 30/4 và dịp hè sắp tới, các tour đi Nhật Bản và Hàn Quốc của công ty được quan tâm và chốt đơn nhiều nhất. Sau đó là các chương trình du lịch Đông Nam Á đi Thái Lan, Singapore, Malaysia.
Tại Đông Nam Á, Thái Lan và Singapore vẫn là thị trường truyền thống của du khách Việt.
Tổng cục du lịch Thái Lan cho biết trong hai tháng đầu năm lượng khách Việt đến Thái đạt 130.413 lượt, giảm 7% so với hai tháng đầu năm 2023(140.919 lượt). Tuy nhiên, lượng khách có xu hướng tăng trong các tháng hè sắp tới. Tổng cục Du lịch Thái Lan nhận định Việt Nam là thị trường du lịch nước ngoài đường ngắn (short haul) quan trọng đối với du lịch Thái Lan. Năm 2023, lượng khách Việt Nam trong top 10 thị trường hàng đầu đến Thái, thuộc nhóm 7 chữ số (hàng triệu lượt) với hơn 1 triệu lượt. Con số này bằng 96% so với năm 2019.
Singapore cũng ghi nhận sự tăng trưởng của khách Việt trong quý I. Đại diện Tổng cục du lịch Singapore cho biết tính đến 24/3, lượng khách Việt đạt 93.060 lượt, tăng hơn 2.000 lượt so với quý I/2023, bằng 40% so với quý I/2019 (211.250 lượt). Trong năm 2023, lưu lượng khách khách Việt ra vào sân bay quốc tế Changi xếp thứ 9 trong top 10 thị trường khách quốc tế đến sân bay này.
Khảo sát tại hai sự kiện du lịch lớn diễn ra trong tháng 4 là Ngày hội du lịch TP Hồ Chí Minh và Du lịch Quốc tế Việt Nam (VITM) tại Hà Nội, các công ty lữ hành đánh giá tour nước ngoài áp đảo tour trong nước. Ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing của Best Price, xác nhận khách ở hai sự kiện chủ yếu mua tour Trung Quốc và Thái Lan, mức giá tầm thấp đến trung bình.
Đại diện Hoàng Việt Travel nói sản phẩm nội địa chỉ chiếm 25% doanh thu sau 4 ngày tại hội chợ VITM, trong khi tour Trung Quốc chiếm 35%, các thị trường như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ đóng góp 40%.
H.A (theo VnE)