Nishiyama Onsen Keiunkan là một ryokan (nhà nghỉ truyền thống của Nhật Bản) có sàn trải chiếu tatami, nhân viên mặc kimono và biển hiệu viết bằng tay.
Thông tin cho biết, vào năm 705, người con trai cả của Fujiwara no Kamatari, gia đình quý tộc quyền lực nhất thời bấy giờ, đang đi lang thang thì phát hiện ra suối nước nóng ở khu vực này.
Ngay sau đó, một khách sạn suối nước nóng truyền thống của Nhật Bản hay còn gọi là ryokan, đã được xây dựng.
Trong hơn 1.300 năm qua, nhiều vị khách đã ghé nơi này nghỉ dưỡng, từ những công chức bình thường đến các vị tướng quân nổi tiếng.
Năm 2011, Nishiyama Onsen Keiunkan được tổ chức kỷ lục Guinness công nhận là khách sạn lâu đời nhất trên thế giới, khi có hơn 1.319 năm hoạt động.
Từ thành thị đến nông thôn
Để đến được Nishiyama Onsen Keiunkan, du khách cần bắt tàu cao tốc từ nhà ga Shizuoka của tỉnh cùng tên, rồi lên tàu và hướng về phía đông.
Thế giới hiện đại dần lùi lại phía sau. Các nhà ga ngày càng nhỏ hơn. Một số nơi thậm chí còn không có quầy bán vé. Chuyến tàu kéo dài một giờ, giúp du khách có cơ hội ngắm toàn cảnh núi Phú Sĩ cùng những cánh đồng, nhà cổ.
Du khách sẽ xuống tàu ở Minobu, ngôi làng chỉ có 11.000 người và chờ xe buýt đưa đón do khách sạn cung cấp.
Minobu nhỏ đến mức quầy bán vé tại nhà ga chỉ chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt và phát hành vé giấy – trái ngược hoàn toàn với Tokyo, nơi đèn LED tràn ngập các con phố và mọi người đi qua cổng tàu chỉ bằng cách chạm điện thoại.
Ở Minobu, không có cửa hàng tiện lợi hay đồ ăn nhanh. Những con phố nhỏ là nơi có các cửa hàng địa phương đã hoạt động qua nhiều thế hệ.
Từ đây, du khách phải lái xe thêm một giờ nữa trên con đường quanh co, tiến sâu hơn vào trong núi Hayakawa-cho cho đến khi khách sạn hiện ra trong tầm mắt.
Không gian truyền thống
Các phòng hạng tiêu chuẩn tại Nishiyama Onsen Keiunkan có ba phần: hai khu vực tiếp khách và một không gian sinh hoạt. Trên tường treo kakejiku, tranh cuộn truyền thống của Nhật Bản, vẽ cảnh thiên nhiên với chữ ký của các họa sĩ.
Cửa sổ của phòng lớn đến mức khung cảnh nhìn ra khu rừng phía trước giống như một bức tranh khổ lớn che phủ cả bức tường. Sàn nhà được lát từ đá khai thác trong khu vực, bồn tắm làm bằng gỗ.
Có 6 suối nước nóng quanh khách sạn, bốn ngoài trời và hai trong nhà. Hai suối nước nóng trong nhà phải đặt chỗ trước nếu khách muốn tắm.
Với bữa tối, khách có thể đặt phòng riêng với 5 món và rượu vang địa phương. Bữa ăn gồm sushi, đậu phụ và súp nhẹ sau đó là cá hun khói, thịt nướng, lẩu. Khi về phòng, khách sẽ phát hiện ra chỗ ở đã được thay đổi.
Phòng khách được thu dọn để trở thành phòng ngủ với những tấm nệm êm ái trải sẵn trên sàn. Gối được đặt ở vị trí hoàn hảo, để du khách có thể ngắm nhìn khu rừng vào buổi sáng khi vừa thức giấc.
Quản lý khách sạn, ông Kenjiro Kawano tin rằng vị trí vắng vẻ đã giúp nơi này thu hút khách và tồn tại được suốt nhiều năm qua. Dù nơi này ngày càng trở nên nổi tiếng, nhưng họ không có ý định mở rộng khách sạn.
Tương lai của “1.300 năm tiếp theo”
Trong nhiều năm, khách sạn thuộc sở hữu của hai gia đình. Đến đời thứ 52, người chủ gặp vấn đề trong việc tìm người thừa kế, vì không còn người thân hoặc con cháu tiếp quản cơ nghiệp. Người quản lý khách sạn đời thứ 53 là Kenjiro Kawano.
Ông Kawano không thể thừa kế ryokan một cách hợp pháp vì không có quan hệ huyết thống với chủ trước. Để giải quyết vấn đề, ông đã tiếp nhận cổ phần ban đầu của khách sạn và thành lập công ty Nishiyama Onsen Keiunkand.
Ông Kawano gia nhập khách sạn vào năm 1984 khi 25 tuổi, đảm nhận nhiều công việc khác nhau trước khi thành quản lý. “Một ngày nọ, tôi được gọi đến văn phòng của chủ trước. Ông ấy nói tôi sẽ tiếp quản công việc kinh doanh này”, Kawano nói.
Khi đó, ông thấy rất áp lực. “Tôi mất 6 tháng để chấp nhận lời đề nghị”, Kawano nói. Điều khiến ông quan tâm nhất hiện nay là mình có thể trở thành thế hệ cuối cùng duy trì khách sạn này, vì chưa tìm thấy người thay thế.
“Sứ mệnh của tôi là duy trì khách sạn. Khi trao quyền cho người quản lý đời thứ 54 cũng là lúc tôi hoàn thành nghĩa vụ của mình”, ông Kawano nói.
T.H (theo Vietnamnet)
Nguồn: https://baohaiduong.vn/khach-san-lau-doi-nhat-the-gioi-hoat-dong-khong-ngung-nghi-suot-hon-1-300-nam-386953.html