Về chuồng trại
Đối với những chuồng nuôi bị tốc mái hoặc ngập úng bà con cần nhanh chóng di dời đàn vật nuôi sang khu chuồng cao ráo hơn. Bà con nên sử dụng bạt che chắn không để vật nuôi bị ướt, lạnh sau đó tiến hành sửa chữa lại chuồng trại.
Hệ thống cống rãnh phải được khai thông, tuyệt đối không để nước chảy ngược vào chuồng nuôi, làm ẩm ướt nền chuồng.
Tổng vệ sinh chuồng trại và khu vực xung quanh. Phun thuốc sát trùng 2 lần/ngày để tiêu diệt mầm bệnh.
Chủ động kiểm tra kho chứa thức ăn, nếu thức ăn bị ướt cần phải để riêng và cho gia súc, gia cầm ăn ngay trong ngày tránh ẩm mốc. Thức ăn phải vận chuyển lên chỗ cao ráo, dùng bạt che đậy, không để thức ăn bị ẩm mốc.
Về chăm sóc nuôi dưỡng vật nuôi
Đối với những dãy chuồng bị tốc mái khiến đàn vật nuôi bị ướt, đặc biệt đối với vật nuôi đang úm hoặc đang mang thai… phải tổ chức di dời sang khu vực cao ráo, dùng bóng sưởi hặc bếp than để sưởi ấm cho con vật. Nếu phải dùng bếp than, bếp trấu, người chăn nuôi phải lưu ý tránh cho con vật khỏi bị ngạt do khí CO2 hoặc gây ra hỏa hoạn.
Chủ động thức ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, dễ tiêu cho vật nuôi; con vật cần được cho uống đủ nước, cần phải bổ sung các loại vitamin, điện giải để tăng cường sức đề kháng.
Công tác phòng bệnh
Chủ động tiêm phòng vaccine đối với các bệnh truyền nhiễm cho đàn vật nuôi, đặc biệt là các bệnh nguy hiểm. Cho vật nuôi uống thuốc phòng bệnh đường hô hấp và đường tiêu hóa.
Làm vệ sinh môi trường xung quanh khu vực trại, khơi thông cống rãnh và thu gom chất thải, xác động vật. Thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thời tiết, dịch bệnh và sức khỏe của đàn vật nuôi để phát hiện sớm những con bị ốm, những con này phải được cách ly và điều trị kịp thời.
NGUYỄN MINH ĐỨC, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh
Nguồn: https://baohaiduong.vn/khac-phuc-chan-nuoi-sau-bao-so-3-the-nao-392535.html