Phiên đấu thầu lần thứ 6 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng 14/5 ghi nhận sự chuyển biến tích cực về số lượng thành viên tham gia cũng như lượng vàng cung ứng ra thị trường.
Các lần trước thường bị hủy do chỉ có một thành viên đặt cọc hoặc có tối đa 2 thành viên trúng thầu, nhưng phiên sáng nay có tới 8 doanh nghiệp trúng thầu 8.100 lượng vàng (gần 50% tổng số 16.800 lượng chào thầu). Dự kiến, số vàng này sẽ tới tay các doanh nghiệp và ngân hàng vào ngày 15/5.
Đây là phiên ghi nhận lượng vàng miếng trúng thầu cao nhất (hai lần trước mỗi phiên chỉ 3.400 lượng). Như vậy, thông qua 3 lần đấu thầu thành công, nhà điều hành đã tung ra thị trường 14.900 lượng vàng miếng.
Giá trúng thầu phiên sáng nay dao động 87,72 đến 87,73 triệu đồng một lượng, cao hơn 1,7 triệu đồng so với giá SJC mua vào từ người dân và thấp hơn gần 1,3 triệu đồng so với giá bán ra.
Sau các lần đấu thầu “ế ẩm” trước đó, phiên sáng nay đã được nới điều kiện về quy mô tối thiểu và tối đa đặt thầu, qua đó tạo điều kiện cho nhiều thành viên tham gia hơn. Cụ thể, số lượng tối thiểu doanh nghiệp có thể đặt trong phiên giảm từ 700 lượng xuống còn 500 lượng. Mức mua tối đa là 4.000 lượng, gấp đôi so với ngưỡng 2.000 lượng trước đó.
Giá vàng hôm nay tới giờ trưa vẫn đi ngang sau khi giảm 1-1,5 triệu đồng từ lúc mở cửa. Mỗi lượng vàng miếng được SJC niêm yết tại 86 – 89 triệu đồng, thấp hơn 2,5 triệu đồng so với mức đỉnh thiết lập vào tuần trước.
Hiệp hội Vàng Việt Nam (VGTA) lý giải nguồn cung vàng miếng khan hiếm là lý do lớn nhất khiến mặt hàng này chênh lệch cao so với thế giới, đặc biệt vào những thời điểm nhu cầu trong nước đi lên.
Về lý thuyết, việc đấu thầu và giải pháp tăng nguồn cung trong dài hạn để trung hòa nhu cầu thị trường, qua đó giúp “hạ nhiệt” giá vàng miếng về sát với thế giới.
Tuy nhiên, thị trường đang có những phản ứng “ngược” trong ngắn hạn. Một số phiên đấu thầu đầu tiên được đánh giá không thành công, bị chê giá cao, lượng trúng thầu “nhỏ giọt” khiến người dân tin rằng giá vàng miếng càng đi lên.
Thay vì hiểu theo cơ chế nguồn cung tăng trong dài hạn thì giá sẽ giảm, nhiều người cho rằng Ngân hàng Nhà nước bán giá cao, doanh nghiệp cũng phải bán giá cao, đẩy giá tăng.
Sau phản ứng của thị trường, Ngân hàng Nhà nước gần đây khẳng định tăng tần suất đấu thầu để tăng nguồn cung phù hợp ra thị trường. Đồng thời, cơ quan quản lý này cũng khuyến cáo người dân thận trọng khi giao dịch giai đoạn này để tránh rủi ro.
TB (theo VnExpress)