Theo Bộ Tài chính, kế hoạch vốn ngân sách trung ương do địa phương quản lý năm nay là 82.243 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến hết ngày 31/3, các dự án mới giải ngân được 8.634 tỷ, đạt 10,5% kế hoạch. Mức này thấp hơn bình quân giải ngân của cả nước (12,2%).
Đến cuối tháng 4, 316 dự án, tiểu dự án tại 48 địa phương chưa giải ngân được đồng nào (tức 0%) so với kế hoạch.
Trong danh sách này, Hà Nội có 2 dự án, tổng vốn giao 4.640 tỷ đồng; Đồng Nai 2 dự án (740 tỷ đồng). Ngoài ra, Điện Biên có 105 dự án (hơn 340 tỷ đồng); Sơn La 22 dự án (gần 260 tỷ); Hòa Bình 18 dự án (hơn 260 tỷ) và Quảng Bình 13 dự án (gần 75 tỷ đồng).
Sáu dự của tỉnh Lâm Đồng cũng trong danh sách này, với trên 1.000 tỷ đồng vốn giao chưa tiêu được đồng nào. Trong đó, dự án tuyến đường bộ cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) – Bảo Lộc (Lâm Đồng) khoảng 800 tỷ đồng.
Theo tính toán, giai đoạn 2021-2025, vốn đầu tư công giải ngân tăng 1% thì GDP có thể tăng thêm 0,058%. Đây được xem là một trong những giải pháp, động lực quan trọng giúp phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội.
Năm nay, Thủ tướng giao gần 663.807 tỷ đồng vốn công cho các địa phương và đặt mục tiêu giải ngân 95% số này. Vì thế, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương có giải pháp tăng giải ngân từ ngân sách trung ương, địa phương và vốn bổ sung ngoài kế hoạch.
Chủ đầu tư, các cơ quan đẩy nhanh tiến độ, thủ tục dự án chưa và có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân cả nước. Các đơn vị này cũng phải rà soát và điều chuyển vốn ở những dự án không có khả năng hoặc chậm giải ngân sang nơi tốt hơn, có nhu cầu bổ sung vốn.
Ngoài ra, Bộ Tài chính yêu cầu các địa phương tạm ứng, thu hồi tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán vốn đầu tư đúng quy định, tránh thất thoát, lãng phí vốn ngân sách.
T.H (theo VnExpress)