Ngày 20/5, ông Tống Quốc Hưng, Trưởng phòng Văn hóa thông tin Hội An, cho biết khu vực thí điểm mô hình lưu trú trải nghiệm cùng cư dân phố cổ Hội An là nhà trong kiệt (sâu trong hẻm), hẻm khu vực I và những khu vực tiệm cận, liền kề với khu vực I; nhà mặt tiền khu vực I, IIA khu phố cổ.
Hộ dân được đón khách lưu trú ở cùng phải là chủ nhà, cư dân bản địa Hội An, sinh sống thực tế tại địa chỉ đăng ký. Gia đình dự kiến đón khách ở cùng đạt gia đình văn hóa tiêu biểu và có uy tín trong cộng đồng tại địa phương.
Mỗi hộ dân thông tin các hình thức và nội dung, thời gian sinh hoạt, hoạt động tại gia đình để thuận tiện cho khách trải nghiệm và tham gia. Các hoạt động phải đảm bảo các điều kiện về nhà ở cũng như quy định của Luật Du lịch năm 2017.
Chính quyền Hội An yêu cầu phải đảm bảo tốt các dịch vụ khác ngoài lưu trú, đặc biệt là dịch vụ trải nghiệm, khám phá gắn liền với các sinh hoạt đời sống hàng ngày.
Để thực hiện thí điểm hộ gia đình nộp đơn đăng ký tham gia mô hình lưu trú, trải nghiệm cùng cư dân phố cổ kèm giấy tờ pháp lý liên quan tại địa phương nơi cư trú. Phòng Văn hóa và thông tin chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan, địa phương tổ chức kiểm tra, khảo sát thực tế ngôi nhà và đề xuất quyết định.
Theo ông Hưng, từ trước tới nay, trong khu vực I trung tâm phố cổ không tổ chức dịch vụ lưu trú mà dành cho buôn bán, tham quan. “Thí điểm này tạo thêm sản phẩm mới để cho du khách trải nghiệm trong khu di sản. Khi các hộ dân đủ điều kiện thì mới được phê duyệt”, ông Hưng nói.
Theo thống kê, phố cổ Hội An có hơn 1.000 nhà, di tích cổ. Trong đó khoảng 10% do nhà nước quản lý; 20% do tập thể sở hữu gồm nhà thờ tộc và hội quán, nhà lưu niệm dòng họ. 70% còn lại do tư nhân sở hữu, trong đó 30% của người gốc Hội An, 40% được chuyển nhượng cho người ngoại tỉnh. Trong số nhà gốc người Hội An, nhiều chủ nhà sinh sống nơi khác, nhà trong phố cổ chỉ cho thuê lại. Nhiều nhà không có người sinh sống, ban ngày mở cửa cho thuê kinh doanh, ban đêm đóng cửa.
T.H (theo VnExpress)