“Bà đỡ” của những mảnh đời khó khăn
Gần 20 năm trước, ông Nguyễn Văn Chiến, sinh năm 1965 ở thôn Đông Nghĩa, xã An Lâm lần đầu tiên được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách. Khi ấy, chỉ với vài triệu đồng vốn ưu đãi được vay, ông Chiến đã biến mảnh đất hơn 1 ha thành một trang trại trồng nấm. Tuy nhiên, sau nhiều thăng trầm của thị trường, đến năm 2015 ông đã chuyển đổi sang mô hình vườn ao chuồng. Cuối năm 2023, ông Chiến lần thứ 2 tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách theo chương trình cho vay giải quyết việc làm.
“Với 100 triệu đồng được vay, ngay từ đầu năm tôi đã mua thêm cá giống, vịt giống để chăn nuôi. Ước chừng tháng 6 tới, những lứa cá giống như trắm, mè, trôi trong ao cá 1,4 mẫu của gia đình sẽ cho thu hoạch lứa đầu tiên, dự kiến thu lãi 60 triệu đồng. Ngoài ra, chỉ hơn một tháng nữa, đàn vịt thương phẩm hơn 200 con cũng có thể xuất bán, giúp gia đình tôi có thêm vài chục triệu đồng nữa”, ông Chiến chia sẻ.
Ông Chiến còn mua gần 2.000 gốc cây giống nhiều loại như sưa, dổi, lim… trồng trong vườn.
Cùng xã An Lâm, gia đình bà Nguyễn Thị U., sinh năm 1962 ở thôn Cẩm Lý vừa được vay vốn theo chương trình dành cho thân nhân người chấp hành xong án phạt tù. Bà U. chia sẻ, do thu nhập bấp bênh từ tiền công phụ hồ của chồng, nên sinh kế gia đình phụ thuộc vào ao cá 7 sào. “Năm nào thị trường được giá thì nhà tôi thu lãi được khoảng 40 triệu đồng, năm nào mất giá thì chẳng đáng là bao, nhất là khi giá cám nuôi cá cao như hiện nay. Giữa lúc khó khăn, nhà tôi lại gặp biến cố khi con trai chúng tôi phải chấp hành án tù vì lỗi lầm gần một năm trước”, bà U. chia sẻ.
Đầu năm 2024, được phê duyệt khoản vay 100 triệu đồng, gia đình bà U. đã cải tạo lại ao cá, mua thêm cá giống và đôi bò cái sinh sản. “Vừa có thêm vốn làm ăn, con trai lại có công việc sau khi ra tù, đây có thể nói là niềm vui nhân đôi với gia đình tôi lúc này”, bà U. nói thêm.
Là công chức xã Thái Tân, trước đây chưa khi nào chị Hoàng Thị Thảo, sinh năm 1981 dám ước mơ đến việc xây nhà. Năm 2000, chị Thảo lập gia đình, một năm sau vợ chồng chị sinh con trai đầu lòng. Những tưởng một cuộc sống tốt đẹp sẽ đến, song biến cố lại xảy ra. Năm 2006, chồng chị không may qua đời do tai nạn giao thông.
Trong căn nhà cấp 4 chỉ rộng chừng 60 m2 của ông bà nội, hai mẹ con chị Thảo chưa khi nào dám mơ đến một căn nhà mới. “Thật may mắn khi tôi được cho vay 500 triệu đồng nguồn vốn chính sách để xây một căn nhà khang trang hơn trên mảnh đất của gia đình để lại. Với tôi như vậy là hạnh phúc lắm”, chị Thảo chia sẻ.
Bền bỉ hỗ trợ người dân
Lũy kế quý I/2024, tổng số tiền Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nam Sách đã cho vay gần 41 tỷ đồng với gần 1.000 lượt khách hàng, cao nhất trong toàn hệ thống ngân hàng chính sách xã hội trong tỉnh. So với cùng kỳ năm 2023 tăng hơn 3 lần, tương đương gần 31 tỷ đồng. Trong khi đó doanh số thu nợ gần 23 tỷ đồng, tăng 54%.
Doanh số cho vay và thu nợ là một trong những chỉ tiêu đánh giá mức độ hiệu quả về xoay vòng vốn của ngành ngân hàng. Tại Nam Sách, 2 chỉ số này đều ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, cho thấy hiệu quả cao trong sử dụng vốn chính sách ở địa phương này.
Ông Đặng Văn Hiệp, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nam Sách cho biết: “Năm 2024, bên cạnh thuận lợi, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng còn hạn chế, nhất là các đối tượng yếu thế. Đơn vị đã tập trung triển khai nhiệm vụ ngay từ đầu năm, phối hợp các đơn vị nhận ủy thác chuyển tải vốn chính sách được giao, góp phần giúp người nghèo và đối tượng chính sách được tiếp cận vốn vay, thêm điều kiện cải thiện sinh kế”.
Không riêng doanh số cho vay và thu nợ, dư nợ tín dụng chính sách ở Nam Sách cũng thuộc nhóm đầu toàn hệ thống. Hết tháng 3/2024, dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn huyện này ước gần 450 tỷ đồng, tăng 4,3% so với đầu năm. Đây cũng là địa phương không phát sinh nợ quá hạn, nhờ đó có chất lượng tín dụng tốt nhất hệ thống. Nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện từ 1,62% (cuối năm 2022) xuống mức 1,39% (cuối năm 2023) và hộ cận nghèo từ 1,39% (cuối năm 2022) xuống còn 1,22% (cuối năm 2023).
HÀ KIÊN