Dồi dào
Tại siêu thị GO Hải Dương (TP Hải Dương), các sản phẩm với mẫu mã, bao bì rực rỡ đã được sắp xếp đầy ắp trên các kệ hàng với các biển, khẩu hiệu quảng cáo riêng gắn liền với Tết. Bà Vũ Thị Sen, Giám đốc siêu thị cho biết ngay từ tháng 9, siêu thị đã triển khai phương án nhập hàng, đàm phán với nhà cung cấp, đặc biệt kết nối với các nhà cung cấp ở nhiều tỉnh, thành phố để đưa nông sản, đặc sản vùng miền ra thị trường, sẵn sàng phục vụ người tiêu dùng. Năm nay, việc nhập hàng Tết được siêu thị chia làm 3 giai đoạn: tháng 12/2023, tháng 1 và tháng 2/2024. Tính đến thời điểm hiện tại, trữ lượng hàng Tết đã về kho của siêu thị đạt khoảng 30%, các sản phẩm được nhập sớm là các nhóm hàng như thực phẩm khô, mỹ phẩm… Các mặt hàng như bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát được siêu thị từng bước nhập về. Riêng đối với các sản phẩm tươi sống phục vụ Tết sẽ được siêu thị đưa lên kệ vào cận Tết để bảo đảm tươi ngon.
Siêu thị GO Hải Dương có khoảng 22.000 mặt hàng phục vụ Tết, tăng khoảng 5% so với Tết năm ngoái. Các mặt hàng này từ 1.000 nhà cung cấp trong và ngoài nước. Theo bà Sen, nét khác biệt trong việc nhập hàng hóa Tết năm nay là do kinh tế khó khăn nên siêu thị đã điều chỉnh tăng nhiều mặt hàng, sản phẩm ở phân khúc giá tầm trung, phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng.
Tại siêu thị Lan Chi Mart ở thị xã Kinh Môn, việc nhập hàng phục vụ Tết được tính toán sát nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng của người dân. Siêu thị chủ động nghiên cứu, tìm hiểu tình hình thị trường để xây dựng kế hoạch dữ trữ hàng hóa phù hợp, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, không để hàng tồn đọng sau Tết. Đại diện siêu thị cho biết: “Siêu thị có 30.000 mặt hàng phục vụ Tết với tổng giá trị hàng hóa khoảng 18 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với năm ngoái”.
Theo đại diện chi nhánh nhượng quyền của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Behapy Việt Nam (trụ sở chính ở Hà Nội) thì doanh nghiệp tập trung vào chất lượng của các giỏ quà, mẫu mã, bao bì được thiết kế đa dạng, sang trọng. Chị Lương Thị Hà, đại diện chi nhánh nhượng quyền của công ty tại Hải Dương cho biết: “Dự kiến chi nhánh sẽ cung cấp ra thị trường Hải Dương khoảng 3.000 giỏ quà với mức giá khoảng 300.000 đồng/giỏ, 500 giỏ mức giá từ 700.000-1,5 triệu đồng/ giỏ; phân khúc cao cấp sẽ có khoảng 50 giỏ từ 3-5 triệu đồng/giỏ. Các giỏ quà Tết của công ty tập trung vào sản phẩm giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe như: một số loại hạt dinh dưỡng (hạt điều, hạnh nhân, macca), trà thảo mộc, trái cây sấy dẻo, bánh kẹo ít ngọt, nước trái cây lên men…”.
Hiện nay, trên địa bàn Hải Dương có 186 chợ, 3 trung tâm thương mại, gần 80 cơ sở kinh doanh hoạt động theo mô hình siêu thị, 260 cửa hàng bán lẻ xăng dầu và trên 3.000 cửa hàng tạp hoá chuyên kinh doanh hàng nhu yếu phẩm được phân bố rộng khắp toàn tỉnh. Mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng kinh doanh xăng dầu và các cơ sở kinh doanh hàng tạp hoá, nhu yếu phẩm luôn chủ động nguồn hàng hoá để thoả mãn nhu cầu của người dân.
Ổn định nguồn cung, giá cả
Theo quy luật những năm qua, sức mua trên thị trường Hải Dương, nhất là khu vực đô thị, khu đông dân cư sẽ tăng dần vào các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024 do việc lưu chuyển, dự trữ hàng hoá giữa các doanh nghiệp bán buôn và nhu cầu mua sắm tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết.
Sở Công thương dự báo sức mua hàng hoá dịp Tết Giáp Thìn năm 2024 tăng khoảng 15% so với Tết năm ngoái. Để chủ động chuẩn bị nguồn hàng hoá phục vụ nhân dân, Sở Công thương đã yêu cầu các doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm và phát huy vai trò trong kinh doanh phục vụ Tết. Hàng hóa phục vụ Tết phải bảo đảm chất lượng; được niêm yết giá và bán theo giá niêm yết nhằm góp phần bình ổn thị trường, giá cả. Các cửa hàng kinh doanh hàng Tết phải cam kết giữ ổn định giá, không tăng giá đột biến nhất là vào những ngày giáp Tết, sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết.
Dịp này, Cục Quản lý thị trường Hải Dương tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, tập trung chống buôn lậu, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng trước, trong và sau Tết. Tập trung kiểm tra việc thực hiện ghi nhãn hàng hoá, nhất là đối với hàng thực phẩm như rượu bia, nước giải khát, bánh mứt kẹo….; kiểm tra việc niêm yết giá của các đối tượng kinh doanh phục vụ Tết. Chủ động đánh giá tình hình, phối hợp giám sát hoạt động tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn… để tránh việc găm hàng, đầu cơ tạo cơn sốt ảo trong dịp Tết. Ngăn chặn và xử lý kịp thời việc vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc…
Theo Sở Công thương, tính đến thời điểm này, tổng trị giá hàng hóa phục vụ Tết Giáp Thìn 2024 tại các siêu thị, doanh nghiệp, nhà phân phối lớn trên địa bàn tỉnh đạt hơn 1.300 tỷ đồng, tăng hơn 20 tỷ đồng so với Tết năm ngoái. Lượng hàng hóa này sẽ duy trì luân chuyển liên tục và tiếp tục được tập kết tăng thêm trong thời gian trước Tết 45 ngày và sẽ được xử lý linh hoạt khi có nhu cầu tăng. Qua đó góp phần chuẩn bị tốt nguồn hàng thiết yếu, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, bình ổn thị trường phục vụ tốt nhất mọi nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán năm 2024.
HUYỀN TRANG