Đoàn do đồng chí Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương làm Trưởng đoàn. Cùng đi với đoàn có các đồng chí: Lò Văn Phương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc tỉnh Điện Biên.
Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Tây Trang (tiền thân là Đồn công an nhân dân vũ trang số 15) nằm trên địa bàn xã Na Ư, huyện Điện Biên. Theo Thượng tá Nguyễn Văn Phúc, Đồn trưởng, địa bàn quản lý của đồn biên phòng giáp biên giới với huyện Mường Mày (tỉnh Phong Sa Lỳ) và Phôn Thoong (tỉnh Luông Pha Băng) của Lào. Đồn được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ tuyến biên giới dài 28,1 km, với 10 cột mốc, 4 cọc dấu và quản lý xã biên giới Na Ư.
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn cơ bản ổn định, chưa phát hiện các hoạt động, các đối tượng xâm phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Tuy nhiên, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy còn nhiều diễn biến phức tạp. Trong những năm qua, đơn vị đã phối hợp tốt với cấp ủy, chính quyền xã Na Ư tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt nhiệm vụ giúp dân phát triển kinh tế – xã hội, củng cố cơ sở chính trị, xóa bản trắng đảng viên, xóa đói giảm nghèo, góp phần bảo vệ bình yên biên cương Tổ quốc.
Đơn vị thực hiện có hiệu quả các chương trình, mô hình giúp dân như “Con nuôi đồn biên phòng”, “Nâng bước em tới trường”, “Hũ gạo chiến sĩ”… Cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng quyết tâm cao, đoàn kết, khắc phục khó khăn, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng biểu dương sự cố gắng của các cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Tây Trang, luôn khắc phục khó khăn, chủ động nắm chắc tình hình biên giới, duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, phát huy vai trò trong bảo đảm an ninh trật tự khu vực biên giới. Những năm qua và thời gian tới, Hải Dương tiếp tục làm tốt công tác hậu phương quân đội, hướng về các tỉnh biên giới, thể hiện trách nhiệm với các địa phương còn gặp nhiều khó khăn và các lực lượng đang trực tiếp duy trì ổn định biên cương của Tổ quốc.
Cùng ngày, Đoàn công tác của tỉnh Hải Dương viếng các nghĩa trang liệt sĩ A1, Him Lam, Độc Lập, Tông Khao.
Trong không khí trang nghiêm, đoàn thành kính dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ anh linh các cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tham gia chiến đấu, hy sinh trong Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, hàng vạn người con ưu tú của dân tộc Việt Nam, trong đó có Hải Dương đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Máu đào của các anh hùng liệt sĩ đổ xuống đã thấm đẫm từng tấc đất, ngọn cỏ nơi công sự, chiến hào, nhuộm đỏ thêm màu cờ Tổ quốc, làm xanh thêm những mảnh đất quê hương.
Tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Độc Lập, đồng chí Trần Đức Thắng trân trọng ghi vào sổ lưu niệm: Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), Đoàn đại biểu Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. Đời đời biết ơn các anh hùng liệt sĩ…
– Nghĩa trang Liệt sĩ A1, Độc Lập, Him Lam là nghĩa trang liệt sĩ cấp quốc gia. Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia A1 rộng 3,2 ha, nằm giữa trung tâm TP Điện Biên Phủ, được xây dựng từ năm 1958. Tại đây có 644 ngôi mộ.
– Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Độc Lập thuộc đội 18, xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên), rộng 3,3 ha, xây dựng từ năm 1957 – 1958. Tại đây có 2.432 phần mộ của các anh hùng liệt sĩ.
– Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Him Lam nằm trên địa bàn tổ dân phố 16, phường Him Lam (TP Điện Biên Phủ), được quy tập và xây dựng từ năm 1957 – 1960. Có 869 anh hùng liệt sĩ đang an nghỉ tại đây.
– Nghĩa trang liệt sĩ Tông Khao là nơi an nghỉ của quân tình nguyện Việt Nam thực hiện nhiệm vụ quốc tế chiến đấu và hy sinh trên nước bạn Lào. Nghĩa trang nằm gần bản Tông Khao, xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên). Các liệt sĩ tại đây được quy tập từ nghĩa trang Hòa Bình, Bản Kéo (Điện Biên) và nghĩa trang quân tình nguyện Việt Nam ở tỉnh U Đôm Xay (Lào) về từ năm 1982. Nghĩa trang được xây dựng năm 1989, với diện tích 4.000 m2, gồm hơn 2.000 liệt sĩ, trong đó có 183 ngôi mộ rõ tên tuổi.
TIẾN HUY