Sáng 28/12, UBND tỉnh Hải Dương tổ chức hội nghị gặp gỡ, trao đổi với các nhà đầu tư trong khu công nghiệp.
Các đồng chí Lê Ngọc Châu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Lưu Văn Bản, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có thủ trưởng các sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Tài chính; Giao thông vận tải; Tư pháp; Thanh tra tỉnh; Khoa học và Công nghệ; Công thương; Lao động, Thương binh và Xã hội; Công an tỉnh; Cục Thuế tỉnh; Ban Quản lý các khu công nghiệp; Chủ tịch UBND TP Hải Dương, TP Chí Linh, các huyện Cẩm Giàng, Kim Thành, Bình Giang, Gia Lộc, Nam Sách, Thanh Miện.
Về phía doanh nghiệp có đại diện Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương, Công ty CP Kinh doanh nước sạch Hải Dương; các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, một số nhà đầu tư thứ cấp trong các khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Kết quả thu hút đầu tư vào khu công nghiệp còn khiêm tốn
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu thông tin tỉnh Hải Dương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh đến năm 2030 gồm 32 khu công nghiệp, với tổng diện tích 5.661ha. Hiện tỉnh có 17 khu công nghiệp đã thành lập với diện tích 2.738 ha, tỷ lệ lấp đầy trên 62%. Các khu công nghiệp đã và đang đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh nhà.
Thời gian vừa qua, công tác xúc tiến, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp đã đạt được một số kết quả nhất định, đã thu hút được một số dự án đầu tư lớn, có chất lượng, có hàm lượng công nghệ cao.
Tuy nhiên, so với tiềm năng, vị trí, lợi thế và dư địa của tỉnh Hải Dương thì kết quả còn khá khiêm tốn. Cụ thể, suất đầu tư trên 1 ha đất công nghiệp của tỉnh Hải Dương là 6,97 triệu USD, còn thấp so với bình quân chung và đứng thứ 7/11 trong vùng đồng bằng sông Hồng (hiện khoảng 8,09 triệu USD/ha).
Số tiền đóng góp hằng năm vào ngân sách nhà nước của các khu công nghiệp còn thấp. Các khu công nghiệp cơ bản chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược và có ít nhà đầu tư có thương hiệu, uy tín lớn trên thế giới, ít nhà đầu tư công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu mong muốn được lắng nghe ý kiến phản ánh, kiến nghị của các nhà đầu tư. Trên cơ sở đó sẽ nghiên cứu để có những giải pháp tiếp tục đẩy mạnh việc cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng nhất để thu hút nhà đầu tư.
Từ đó cụ thể hóa, làm rõ trách nhiệm của các các sở, ngành, địa phương trong việc giải quyết thủ tục hành chính cũng như việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong việc triển khai thực hiện dự án.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng mong muốn các nhà đầu tư hạ tầng phối hợp cùng chính quyền để có định hướng, giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút nhà đầu tư trong các khu công nghiệp. Trong đó, cần xây dựng cụ thể tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ đầu tư hạ tầng, thời gian thu hút nhà đầu tư thứ cấp để sớm lấp đầy khu công nghiệp. Đặc biệt là nâng cao chất lượng của nhà đầu tư thứ cấp suất đầu tư phù hợp, hàm lượng công nghệ cao, thân thiện môi trường.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các nhà đầu tư khu công nghiệp và đại diện các nhà đầu tư thứ cấp thẳng thắn trao đổi những khó khăn, vướng mắc và đề xuất những giải pháp phù hợp để góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả đầu tư tại Hải Dương.
Đối với các sở, ngành, địa phương, kịp thời giải đáp những đề xuất, kiến nghị, những khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư. Đồng thời thông tin một số chính sách, quy định mới của tỉnh, cũng như một số định hướng phát triển trong thời gian tới thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các sở, ngành, địa phương.
Đề nghị cắt giảm thủ tục hành chính
Trước và trong hội nghị, các nhà đầu tư hạ tầng và các nhà đầu tư thứ cấp trong khu công nghiệp đã gửi nhiều ý kiến, kiến nghị, đề xuất tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đầu tư tại Hải Dương.
Các kiến nghị chủ yếu xoay quanh vấn đề điều chỉnh quy hoạch; rút ngắn thủ tục hành chính trong quy trình triển khai đầu tư vào tỉnh; đề nghị các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; những vướng mắc về phòng cháy, chữa cháy; bảo đảm nguồn nước, nguồn điện…
Trong đó, nhà đầu tư khu công nghiệp Đại An mở rộng và nhà đầu tư khu công nghiệp An Phát 1 đề nghị rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho các doanh nghiệp. Đồng thời đề nghị Tỉnh ủy xem xét, điều chỉnh quy chế làm việc số 10/QC-TU ngày 15/12/2022, nâng tổng vốn đầu tư đối với dự án có ý kiến chấp thuận tiếp nhận lên mức từ 1.000 tỷ đồng đến dưới 1.500 tỷ đồng đối với dự án DDI hoặc trên 50 triệu USD đối với dự án FDI và cho ý kiến về phương án quy hoạch chi tiết khu công nghiệp.
Công ty TNHH một thành viên Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Đại An cũng đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các nhà đầu tư thứ cấp khi chưa hoàn thiện toàn bộ các hạng mục hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp.
Công ty CP Khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát 1 (nhà đầu tư khu công nghiệp An Phát 1) đề nghị tháo gỡ vướng mắc trong lập, phê duyệt quy hoạch; xem xét điều chỉnh lại phân cấp cấp giấy phép xây dựng trong khu công nghiệp; hướng dẫn việc sử dụng đất cát san lấp bị thừa trong quá trình nhà đầu tư thứ cấp thi công công trình ngầm; thủ tục tính lại giá đất khi điều chỉnh quy hoạch khu công nghiệp An Phát 1.
Công ty CP Khu công nghiệp Lương Điền – Ngọc Liên (nhà đầu tư khu công nghiệp Lương Điền – Ngọc Liên) đề nghị đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt dự án nút giao với quốc lộ 38; giải quyết đề nghị về chính sách hỗ trợ mua vật liệu san lấp.
Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nam Quang (nhà đầu tư khu công nghiệp Gia Lộc) đềnghị điều chỉnh quy hoạch với nội dung tăng mật độ xây dựng; điều chỉnh tính chất, cơ cấu sử dụng đất lĩnh vực kho xưởng cho thuê và logistics. Công ty cũng đề xuất sớm có phương án giải quyết vướng mắc về giải phóng mặt bằng tại khu công nghiệp Gia Lộc (đối với 3 ngôi mộ) và việc hoàn trả kênh tiêu tại thôn Hoàng Xá, xã Hồng Hưng.
Tương tự, Công ty CP Đầu tư Trung Quý – Bắc Ninh (nhà đầu tư khu công nghiệp Phúc Điền mở rộng) đề nghị giải quyết vướng mắc giải phóng mặt bằng tại 2 hộ dân thuộc thôn Lý Dương, xã Vĩnh Hồng (Bình Giang), giáp đường tỉnh 395, diện tích thu hồi 1.645,9 m2.
Công ty CP Phát triển đô thị và Khu công nghiệp cao su Việt Nam (nhà đầu tư khu công nghiệp Cộng Hòa) đề nghị rút gọn thủ tục điều chỉnh quy hoạch khu công nghiệp; xử lý bãi rác Đồng Vọng (khoảng 3 ha) và việc quy hoạch, xây dựng hệ thống thoát nước khu vực khu công nghiệp tránh ngập úng.
Công ty TNHH Quốc tế Nam Tài (nhà đầu tư khu công nghiệp Phú Thái) giải quyết vướng mắc về ưu đãi thuế; vướng mắc về phòng cháy chữa cháy với phân khu phía tây khu công nghiệp Phú Thái. Công ty TNHH Eno Interlining Việt Nam (trong khu công nghiệp Phú Thái) đề nghị có chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
Công ty TNHH Bơm Ebara VN (khu công nghiệp Lai Cách) đề nghị giải quyết đền bù tại nhà máy cũ của công ty tại đường Nguyễn Trãi (TP Hải Dương) và giải quyết việc công ty đang bị ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm không khí từ công ty sản xuất chăn nuôi và các công ty bên cạnh…
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lưu Văn Bản điều hành phần thảo luận, đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan trả lời cụ thể, có trọng tâm, đúng vấn đề với từng ý kiến, kiến nghị của các nhà đầu tư. Đồng chí cũng trực tiếp trả lời, kết luận với từng đề xuất của nhà đầu tư và gia hạn thời gian thực hiện với các sở, ngành, địa phương. Những vấn đề chưa rõ, yêu cầu các sở ngành có văn bản báo cáo UBND tỉnh và trả lời doanh nghiệp.
Nhà đầu tư là bạn, là đối tác quan trọng của tỉnh
Kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu đánh giá các ý kiến, kiến nghị của các nhà đầu tư cơ bản đã được các sở, ngành, địa phương giải đáp; những khó khăn mà nhà đầu tư kiến nghị cũng đã được lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cam kết giải quyết tháo gỡ.
Đồng chí đánh giá năm 2024 là một năm với nhiều thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen; nhưng được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tỉnh Hải Dương đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội đã đặt ra.
Kinh tế của tỉnh tăng trưởng 10,2%, đứng thứ 6 cả nước (tăng 7 bậc so với năm 2023) và đứng thứ 3 vùng đồng bằng sông Hồng. Thu ngân sách nhà nước đạt 28 nghìn 813 tỷ đồng, tăng 46,7% so với dự toán.
Đạt được những thành tích nêu trên có phần đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp và các nhà đầu tư thứ cấp.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định Hải Dương có vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở trung tâm vùng đồng bằng sông Hồng; trung tâm tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Tỉnh có hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối liên thông nhanh chóng, thuận lợi tới các sân bay, cảng biển và các tỉnh thành trong khu vực.
Tỉnh có diện tích 1.668 km2, dân số trên 2,1 triệu người, đứng thứ 8 trên 63 tỉnh, thành phốcủa cả nước, có số lượng lao động lớn với trình độ chuyên môn cao.
Theo quy hoạch tỉnh Hải Dương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030 tỉnh có 32 khu công nghiệp, với tổng diện tích 5.661ha. Đặc biệt quan trọng là tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ thành lập khu kinh tế chuyên biệt với quy mô khoảng 5.300 ha, trong đó sẽ hình thành các khu công nghiệp quy mô lớn, khu đô thị đồng bộ hiện đại cùng với trung tâm đổi mới sáng tạo, các khu logicstic, khu phi thuế quan.
Năm 2025, Hải Dương xác định bên cạnh thuận lợi còn nhiều khó khăn thách thức đan xen, là năm thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Đây cũng là năm tỉnh phải hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế – xã hội của nhiệm kỳ đại hội đã đề ra và chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để tiến hành thành công Đại hội Đảng các cấp. Đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức hai con số, tạo tiền đề để cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới: kỷ nguyên vươn mình của dân tộc theo ý kiến của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm.
Thời gian vừa qua, tỉnh Hải Dương đã ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Luật Đất đai; ban hành nhiều chính sách bảo đảm an sinh xã hội, ưu đãi, thu hút đầu tư nhằm cải thiện môi trường đầu tư nói chung, trong đó có môi trường đầu tư trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng đã thống nhất chủ trương phương án giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh thống nhất cho phép nghiệm thu từng phần đối với phần diện tích đất đã hoàn thành việc đầu tư hạ tầng để thu hút nhà đầu tư thứ cấp. Các nhà đầu tư thứ cấp được đưa dự án đi vào hoạt động sau khi hoàn thiện các thủ tục cần thiết theo quy định và khi chủ đầu tư hạ tầng đã hoàn thành đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật thiết yếu.
Tỉnh đang thực hiện sáp nhập 3 trung tâm, gồm: Trung tâm Tư vấn và Xúc tiến đầu tư (thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư), Trung tâm Xúc tiến thương mại (thuộc Sở Công thương) và Trung tâm Xúc tiến du lịch (thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thành một trung tâm thuộc Văn phòng UBND tỉnh. Mục đích là để tư vấn, hỗ trợ, giải quyết nhanh các thủ tục, dự án của các nhà đầu tư.
Để góp phần hỗ trợ giải quyết khó khăn vướng mắc của nhà đầu tư, UBND tỉnh cung cấp đường dây nóng để tiếp nhận các thông tin đề xuất, phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp (0220.3837.444; 0936.373.899).
Đồng chí Lê Ngọc Châu thông tin, hiện nay theo quy định của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2024 (có hiệu lực từ ngày 15/1/2025) có quy định các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử, chip, vật liệu bán dẫn và một số lĩnh vực công nghệ cao khác thì “không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập quy hoạch chi tiết, cấp giấy phép xây dựng, phòng cháy, chữa cháy”.
Qua đó, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá hiện nay là thời điểm rất thuận lợi để các nhà đầu tư quan tâm triển khai thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh Hải Dương, đặc biệt là các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao.
Để giải quyết các kiến nghị của các nhà đầu tư tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã về mặt nhận thức phải xác định những nhà đầu tư vào địa bàn tỉnh Hải Dương nói chung, nhà đầu tư khu công nghiệp, nhà đầu tư thứ cấp sản xuất, kinh doanh trong các khu công nghiệp “là bạn, là đối tác, là bộ phận quan trọng góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội” của tỉnh. “Vì vậy, phải luôn sát cánh, đồng hành, phải xác định việc của các nhà đầu tư cũng là của mình; khó khăn của nhà đầu tư cũng là khó khăn của mình theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu nhấn mạnh.
Đồng chí yêu cầu các sở ngành, địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương thực hiện giải quyết các kiến nghị của nhà đầu tư; báo cáo kết quả về UBND tỉnh chậm nhất ngày 15/1/2025.
Đối với công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, yêu cầu các huyện hoàn thành xong theo tiến độ từng dự án các địa phương đã cam kết và chậm nhất trước ngày 30/4/2025 tất cả các dự án đặt ra tại hội nghị này phải hoàn thành bàn giao đất cho nhà đầu tư thực hiện.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Ban Quản lý các khu công nghiệp nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính của ban, cải thiện vị trí xếp hạng công tác cải cách hành chính để năm 2025 nằm trong trong nhóm dẫn đầu các sở, ban, ngành của tỉnh.
Ban Quản lý các khu công nghiệp cần xây dựng ngay phương án cắt, giảm, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính như đã cam kết. Đối với các dự án chậm tiến độ, khi xem xét gia hạn thời gian thực hiện dự án, đặc biệt đối với các dự án chậm tiến độ có nguyên nhân chủ quan từ phía nhà đầu tư, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp xem xét nguyên nhân, lý do điều chỉnh của nhà đầu tư, tham mưu, đề xuất phương án xử lý, báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh về chủ trương. Tránh tình trạng gia hạn thời gian thực hiện dự án nhiều lần, nhưng nhà đầu tư chây ì, không thực hiện đúng cam kết với tỉnh, không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước hoặc đang vi phạm, chậm tiến độ tại các dự án khác trong và ngoài tỉnh.
Chủ trì, cùng các sở, ngành nghiên cứu tham mưu về các yêu cầu, điều kiện để thu hút nhà đầu tư hạ tầng có năng lực tốt, trách nhiệm cao, đặc biệt với các khu công nghiệp tới đây sẽ chọn nhà đầu tư hạ tầng; để ràng buộc trách nhiệm của nhà đầu tư về tiến độ, chất lượng đầu tư hạ tầng…
Giao UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện, bám sát kế hoạch giải phóng mặt bằng chi tiết của từng khu công nghiệp, cam kết rõ tiến độ hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao đất cho nhà đầu tư triển khai thi công, bảo đảm đúng tiến độ chấp thuận tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Khẩn trương rà soát, lập quy hoạch phân khu khu công nghiệp, trình thẩm định, phê duyệt để làm cơ sở thu hút các nhà đầu tư lập hồ sơ đề xuất dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp theo quy định.
Đối với các khu công nghiệp nằm trong khu vực dự kiến thành lập khu kinh tế chuyên biệt, cần bảo đảm khớp nối đồng bộ đối với định hướng, phân khu chức năng, hạ tầng kỹ thuật trong khu kinh tế chuyên biệt.
Đồng chí Lê Ngọc Châu giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế tỉnh và các đơn vị có liên quan nghiên cứu, tham mưu thực hiện điều 81, Luật Đất đai 2024 về việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai, đặc biệt đối với các dự án trong khu công nghiệp chậm tiến độ, vi phạm…
Cục Thuế tỉnh có biện pháp tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đăng ký, kê khai nộp đầy đủ các loại thuế, phí tại tỉnh Hải Dương…
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Xây dựng đôn đốc, hướng dẫn UBND TP Chí Linh, các huyện Bình Giang, Thanh Hà, Tứ Kỳ, Thanh Miện khẩn trương lập quy hoạch phân khu khu công nghiệp, trình thẩm định, phê duyệt để làm cơ sở thu hút các nhà đầu tư lập hồ sơ đề xuất dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp theo quy định…
Đối với các nhà đầu tư hạ tầng, ngoài việc tính toán về mặt hiệu quả kinh tế, phải thực sự có trách nhiệm đồng hành cùng chính quyền trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, bảođảm an sinh xã hội.
Đề nghị nhà đầu tư các khu công nghiệp đã hoàn thành hạ tầng nhanh chóng thu hút các nhà đầu tư thứ cấp để lấp đầy các khu công nghiệp, trong đó ưu tiên thu hút các dự án có suất đầu tư trên 1ha cao hơn trung bình các tỉnh lân cận (tối thiểu đạt khoảng 9 triệu USD/ha); tập trung vào các lĩnh vực công nghệ AI, công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử, chip, vật liệu bán dẫn và một số lĩnh vực công nghệ cao khác.
Tập trung đầu tư các thiết chế xã hội, nhà lưu trú cho công nhân, nhà văn hóa để nâng cao chất lượng sống cho người lao động; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội tại khu vực thực hiện dự án.
Phối hợp, hỗ trợ tốt nhất cho nhà đầu tư thứ cấp triển khai dự án trên cơ sở phù hợp tình hình thực tiễn và các quy định pháp luật.
Cam kết về việc người dân, tổ chức và các dự án lân cận được phép sử dụng chung một số tuyến đường trong khu công nghiệp để bảo đảm kết nối giao thông, lưu thông thuận lợi cho nhân dân và khu công nghiệp lân cận, phù hợp với quy hoạch xây dựng được phê duyệt.
Ngay khi tiếp nhận nhà đầu tư thứ cấp cần chủ động làm việc về một số nội dung để phối hợp tuyển chọn, đào tạo lao động có tay nghề: số lượng lao động, ngành nghề cần sử dụng, chế độ đãi ngộ… thực sự là cầu nối giữa chính quyền, người lao động và chủ sử dụng lao động.
Đối với các nhà đầu tư chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng ngay sau khi có quyết định giao chủ đầu tư, cần tập trung phối hợp với chính quyền địa phương để có kế hoạch đẩy nhanh nhất tiến độ giải phóng mặt bằng.
Đối với các khu công nghiệp Đại An mở rộng giai đoạn 2, Lai Cách, Kim Thành, Lương Điền Ngọc Liên, Tân Trường mở rộng cần tập trung phối hợp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thành trước 30/4/2025.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các nhà đầu tư lựa chọn nhà thầu thi công có uy tín chất lượng; tập trung đầy đủ nhân lực, máy móc thiết bị để bảo đảm tiến độ xây dựng hạ tầng nhanh nhất, chất lượng tốt nhất; hoàn thành vượt tiến độ về thời gian đầu tư hạ tầng đã cam kết.
NGÂN HẠNH – MINH NGUYỆT
Nguồn: https://baohaiduong.vn/hai-duong-luon-sat-canh-dong-hanh-cung-cac-nha-dau-tu-trong-khu-cong-nghiep-401707.html