Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo chăn nuôi an toàn sinh học kết hợp tiêm vaccine là biện pháp duy nhất phòng chống hiệu quả dịch tả lợn châu Phi.
Các cán bộ thú y cơ sở đã được phổ biến kiến thức quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi cho trang trại quy mô; kỹ thuật chăn nuôi chuồng kín và nuôi chuồng hở… Phải hạn chế tối đa người ngoài ra, vào trang trại. Người trước khi vào khu chăn nuôi phải được cách ly ít nhất 72 tiếng, tắm gội và mặc đồ bảo hộ của trang trại. Ngay khi khách rời khỏi chuồng nuôi phải phun khử trùng khu vực chuồng nuôi với nồng độ cao gấp 2 – 3 lần thông thường.
Với chuồng hở, ngoài việc hạn chế người ngoài vào, ra trang trại thì không nên mua, mang thịt sống và các sản phẩm liên quan đến thịt lợn chưa được nấu chín từ bên ngoài vào trang trại…
Ngoài tập huấn về chăn nuôi an toàn sinh học, cán bộ thú y cơ sở được tập huấn về cách thức, quy trình sử dụng vaccine như: kiểm tra sức khỏe đàn lợn thịt trước khi tiêm, kiểm tra vaccine, dụng cụ tiêm, cách pha chế… Đặc biệt, những lưu ý khi tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi như chỉ sử dụng cho lợn khỏe mạnh, tiêm mũi duy nhất cho lợn thịt từ 4 tuần tuổi trở lên; không dùng lọ vaccine bị rạn nứt, biến màu hoặc hết hạn. Pha vaccine đông khô với dung dịch pha đi kèm, tuyệt đối không pha với dung dịch khác.
Hiện Hải Dương là tỉnh thứ 5 trong cả nước (sau Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Ninh và Quảng Ngãi) tổ chức tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi trên diện rộng. Cán bộ thú y cơ sở sẽ là lực lượng chính để triển khai tiêm vaccine trên diện rộng.
TRẦN HIỀN
Nguồn: https://baohaiduong.vn/hai-duong-huong-dan-tiem-vaccine-phong-dich-ta-lon-chau-phi-cho-hon-300-can-bo-thu-y-co-so-390834.html