Ứng phó nước nhiễm mặn, ô nhiễm
Thời gian gần đây, vấn đề cấp nước phục vụ sản xuất tại huyện Bình Giang được quan tâm do đặc thù nguồn nước tưới của địa phương này phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống Bắc Hưng Hải. Điển hình đầu năm 2023, nước các kênh Kim Sơn, Tây Kẻ Sặt qua một số xã của Bình Giang bị ô nhiễm nặng khiến hơn 100 ha lúa đông xuân ở xã Thúc Kháng bị thiếu nước tưới, ruộng nứt nẻ.
Để tình trạng trên không lặp lại, năm 2024, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Bình Giang (Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hải Dương) tranh thủ nước trong kênh trục Bắc Hưng Hải bảo đảm chất lượng, chủ động mở cống lấy nước, tích nước sớm trong kênh trục nội đồng. Ông Đào Văn Đông, Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Bình Giang cho biết: “Xí nghiệp phục vụ hơn 5.788 ha, chiếm 57,5 % diện tích sản xuất nông nghiệp của huyện Bình Giang. Để bảo đảm đủ nước đổ ải, nước tưới dưỡng, ngay từ cuối tháng 12/2023, chúng tôi đã mở cống lấy nước từ hệ thống Bắc Hưng Hải. Một số diện tích chân ruộng cao ở các xã Thúc Kháng, Tân Hồng, Bình Xuyên, chúng tôi bơm nước trực tiếp lên ruộng từ chiều 3/1”.
Ngoài Bình Giang, từ ngày 8/1, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hải Dương cũng bơm nước đổ ải trước cho một số xã tại các huyện Cẩm Giàng, Thanh Miện được dự báo gặp khó khăn về nguồn nước phục vụ sản xuất.
Trước đó, để thau rửa, giảm thiểu ô nhiễm, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải đã rút nước trong hệ thống 4 ngày, từ ngày 21-24/12/2023. Từ ngày 25/12/2023, công ty này lấy nước, tích nước tối đa từ sông Hồng qua cống Xuân Quan và lấy nước ngược qua các cống Cầu Xe, An Thổ để phục vụ sản xuất vụ đông xuân.
Ông Vũ Hữu Tuấn, Trưởng Phòng Điều hành hệ thống (Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải) cho biết: “Nước sông ở cống Cầu Xe và An Thổ bị nhiễm mặn từ ngày 23/10/2023, vượt ngưỡng cho phép 1‰. Mặn xuất hiện sớm và có xu hướng tăng cao hơn so với năm 2022. Do đó, công ty tăng cường đo quan trắc, tranh thủ những giờ độ mặn thấp mở cống lấy nước vào hệ thống. Công ty đề nghị các địa phương, đơn vị tận dụng nguồn nước của Bắc Hưng Hải mở cống tích nước vào kênh trục nội đồng, đồng thời quản lý chặt nguồn thải, không xả nước ô nhiễm vào hệ thống”.
Không để thiếu nước
Năm nay, dự báo mưa ít hơn, nhiều hồ chứa tại Chí Linh có mực nước thấp hơn mọi năm nên Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Chí Linh chủ động tiết kiệm nước, ưu tiên cấp nước đổ ải, tưới dưỡng. Việc đưa Trạm bơm Ngọc Tân công suất 22.500 m3/h vào khai thác, vận hành giúp công tác đổ ải tại xã Hưng Đạo thuận hơn rất nhiều.
Vụ đông xuân năm nay Hải Dương dự kiến gieo trồng 63.600 ha, bằng 98,7% so với năm ngoái, trong đó gieo cấy 53.600 ha, rau màu 10.000 ha. Tỉnh chỉ có 12 ngày lấy nước, chia làm 2 đợt: đợt 1 từ 0 giờ ngày 23/1 đến 24 giờ ngày 30/1, đợt 2 từ 0 giờ ngày 18/2 đến 24 giờ ngày 21/2.
Để chuẩn bị lấy nước, trữ nước, đưa nước phục vụ sản xuất đạt hiệu quả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương đề nghị các địa phương, các công ty khai thác công trình thủy lợi trên cơ sở lịch xả nước các hồ thủy điện, kế hoạch điều hành lấy nước hệ thống Bắc Hưng Hải chủ động tổ chức triển khai thực hiện lấy nước, trữ nước, đưa nước đổ ải phù hợp kế hoạch gieo cấy, cơ cấu thời vụ gieo trồng của địa phương. Chủ động tận dụng thời gian mực nước trên hệ thống sông trục được dâng cao để đưa nước đổ ải đạt hiệu quả cao nhất; thực hiện tưới nước tiết kiệm, có kế hoạch dự trữ nguồn nước để tưới dưỡng cho lúa, hoa màu.
Ông Nguyễn Văn Bột, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hải Dương cho biết bên cạnh kế hoạch phòng chống hạn vụ đông xuân, công ty tập trung xây dựng phương án trọng điểm, trong đó đưa ra tình huống khó khăn tại một số địa bàn để có phương án giải quyết, đặc biệt tại Bình Giang, Thanh Miện, Cẩm Giàng, Gia Lộc, Tứ Kỳ. Thành lập tổ công tác kịp thời xử lý các tình huống có thể xảy ra. “Tranh thủ tất cả nguồn nước có thể, mở cống tích nước vào kênh trục nội đồng, những nơi khó khăn vận hành bơm trước, tích nước trong ruộng. Bằng mọi giá không để diện tích không có nước”, ông Bột nhấn mạnh.
NHẤT NGUYÊN