Từ nay đến cuối vụ, cà rốt sẽ được thu hoạch tập trung và chủ yếu xuất khẩu sang các nước Hàn Quốc, Nhật Bản và khu vực Đông Âu.
Để bảo đảm chất lượng cà rốt phục vụ xuất khẩu, tránh tình trạng bị các nước nhập khẩu trả lại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương đề nghị các địa phương trồng cà rốt tập trung như Cẩm Giàng, Nam Sách, Chí Linh và các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền người sản xuất cà rốt và doanh nghiệp tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật của các nước nhập khẩu.
Chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường điều tra, phát hiện sinh vật gây hại trên cà rốt. Hướng dẫn nông dân thực hiện chăm sóc cho cây cà rốt, nhất là khâu phòng trừ sâu bệnh để bảo vệ năng suất và bảo đảm sản phẩm củ cà rốt đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Trong đó thực hiện bón phân cân đối, tăng cường bón phân kali. Khi cây cà rốt phát triển thân lá quá mức thì dùng dao phát tỉa lá để kìm hãm sinh trưởng. Chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sinh vật gây hại khi thực sự cần thiết. Chỉ thu hoạch khi đã bảo đảm thời gian cách ly.
Đối với UBND các xã chỉ xác nhận nguồn gốc cà rốt phục vụ xuất khẩu được sản xuất tại địa bàn và chịu trách nhiệm liên quan đến truy xuất nguồn gốc. Các doanh nghiệp, thương lái thu mua cà rốt trên địa bàn ký hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm thực hiện đúng cam kết pháp lý. Riêng đơn hàng xuất khẩu đi Hàn Quốc, Nhật Bản đề nghị lấy mẫu kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với tất cả các ruộng trồng trước thu hoạch. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tăng cường lấy mẫu cà rốt phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và đưa ra các biện pháp hướng dẫn phòng trừ hiệu quả để sản phẩm cà rốt đạt chất lượng xuất khẩu.
NHẤT NGUYÊN