Ông Hoàng Trung Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ dự báo, giá xăng dầu trong nước có thể hạ nhiệt.
“Giá xăng có thể giảm 250 – 300 đồng/lít, còn giá dầu diesel có khả năng giảm khoảng 700 – 750 đồng/lít. Trong trường hợp liên bộ Tài chính – Công Thương sử dụng quỹ bình ổn thì giá xăng có thể giảm ít hơn hoặc không giảm”, ông Dũng nói.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Bích Hường, Giám đốc một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại Hà Nội cũng cho rằng giá xăng hôm nay có thể giảm 300 – 400 đồng/lít, giá dầu diesel giảm mức cao nhất 800 đồng/lít.
Còn mô hình dự báo giá xăng dầu của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cho thấy, tại kỳ điều hành ngày 25/4, giá xăng dầu bán lẻ (ngoại trừ dầu mazut) được dự báo sẽ giảm mạnh 2,1 – 4,8% và liên bộ Tài chính – Công Thương sẽ không trích lập hay chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Cụ thể, VPI dự báo giá xăng bán lẻ có thể giảm 2,1%, tương đương 501 – 542 đồng/lit, về mức 23.719 đồng/lít (E5 RON92) và 24.688 đồng/lít (RON95). Giá dầu diesel có thể giảm 1.033 đồng về mức 20.407 đồng/lít, giá dầu hỏa có thể giảm 971 đồng về mức 20.439 đồng/lít. Riêng giá dầu mazut được dự báo tăng nhẹ 0,4% lên mức 17.277 đồng/kg.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã có 9 lần tăng, 5 lần giảm, 2 lần trái chiều. Tại kỳ điều hành gần đây nhất (ngày 17/4), giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu được điều hành theo hướng tăng giá xăng, giảm giá dầu (trừ dầu mazut).
Cụ thể, giá xăng E5 RON92 tăng 378 đồng/lít, không cao hơn 24.226 đồng/lít, giá xăng RON95 tăng 416 đồng/lít, không cao hơn 25.237 đồng/lít.
Giá các loại dầu thay đổi như sau: Dầu diesel giảm 164 đồng/lít, không cao hơn 21.446 đồng/lít; Dầu hỏa giảm 178 đồng/lít, không cao hơn 21.416 đồng/lít và giá dầu mazut tăng 198 đồng/kg, không cao hơn 17.206 đồng/kg.
Trong kỳ điều hành lần này, cơ quan điều hành đã quyết định không trích lập và không chi sử dụng quỹ bình ổn giá đối với tất các mặt hàng.
Trên thị trường quốc tế, lúc 6h ngày 25/4, giá dầu Brent giao dịch ở mức 88,02 USD/thùng, giảm 0,42 USD so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 82,81 USD/thùng, giảm 0,55 USD.
Giá dầu quay đầu giảm trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại rủi ro địa chính trị ở Trung Đông sẽ tác động đến nguồn cung.
Trong khi đó, dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 19/4 đã giảm mạnh 6,4 triệu thùng xuống 453,6 triệu thùng, trái ngược so với kỳ vọng tăng 825.000 thùng của các nhà phân tích.
Theo nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS, sự sụt giảm lớn về dầu thô là kết quả của xuất khẩu dầu thô cao. Tuy nhiên, dữ liệu theo dõi tàu chở dầu sơ bộ trong tuần này cho thấy xuất khẩu thấp hơn. Hoạt động kinh doanh của Mỹ trong tháng 4 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 4 tháng.
Theo S&P Global, chỉ số PMI tổng hợp tạm thời, theo dõi các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đã giảm xuống 50,9 trong tháng này từ mức 52,1 trong tháng 3. Ngân hàng Trung ương Mỹ dự kiến sẽ bắt đầu hạ lãi suất trong năm nay, điều này có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kích thích nhu cầu về dầu.
H.A (theo VTC News)