Cụ thể, tính đến 9 giờ, tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 80 – 82 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 1 triệu đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với hôm qua.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết giá vàng SJC ở mức 79,95 – 82,05 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 1 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 700.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với hôm qua.
Theo TS. Trương Văn Phước, phương án Ngân hàng Nhà nước bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước là phương án phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Mục đích của bán can thiệp vàng là để thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế quy đổi.
Nhưng trước đây với phương án đấu thầu thì chứng tỏ khoảng cách này không thu hẹp là bao. Bởi vì can thiệp là để giá xuống, mà đấu thầu là chọn giá cao nhất để bán cho người dự thầu lại với giá khởi điểm sát giá thị trường thì làm sao thành công được.
“Nay Ngân hàng Nhà nước bán cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước để từ đó các ngân hàng này bán ra thị trường thì tôi nghĩ sẽ thành công, tức là khoảng cách chênh lệch giá trong nước và nước ngoài sẽ nhanh chóng được thu hẹp”, TS. Trương Văn Phước nói.
Về phía chuyên gia Trương Vi Tuấn của trang giavang.net cho rằng, thị trường vẫn rất “ngóng” việc sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 04 năm 2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Theo Nghị định số 24/2012/NĐ-CP đang áp dụng, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) không được nhập, dập vàng miếng. Khuôn dập được giao về Ngân hàng Nhà nước quản lý và trong thời gian qua cũng không phát hành thêm vàng miếng. Vì vậy, nguồn cung vàng miếng bị khan hiếm và giá chênh lệch trong nước và thế giới luôn ở mức cao, trên 15 triệu đồng/lượng.
Trường hợp nếu bỏ độc quyền vàng miếng, các doanh nghiệp khác như PNJ, DOJI được sản xuất vàng miếng, điều này sẽ khiến giá vàng miếng kéo sát lại gần với giá vàng nhẫn, vàng trang sức. Có thể nói, chỉ khi chính sách độc quyền vàng miếng thay đổi mới tạm thời tác động đến giá vàng miếng.
T.H (Theo báo Tin tức)