Ngân hàng Nhà nước hôm nay 4/6 trực tiếp bán vàng cho 4 ngân hàng quốc doanh và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) với giá 77,98 triệu đồng/lượng.
Các ngân hàng và SJC bán ra cho người dân chênh không quá 1 triệu đồng so với giá mua từ cơ quan quản lý, tức tối đa 78,98 triệu mỗi lượng.
Tại SJC, lúc 11 giờ, giá vàng hạ về 77,48 – 78,98 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa chiều mua và bán được doanh nghiệp thu hẹp về 1,5 triệu đồng.
Sáng nay, một số điểm bán của 4 ngân hàng quốc doanh Vietcombank, BIDV, Agribank và VietinBank tạm thời ngưng giao vàng để điều chỉnh lại quy trình, quầy giao dịch. Việc này được các ngân hàng thực hiện sau khi ghi nhận đông kín khách mua trong ngày đầu tiên.
Tại các thương hiệu kinh doanh vàng miếng không thuộc diện bán vàng “bình ổn” như DOJI, PNJ, Bảo Tín Minh Châu, Mi Hồng… giá sáng nay cũng giảm theo. DOJI, PNJ đồng loạt neo loại vàng này tại 77,68 – 78,98 triệu đồng/lượng. Tại Mi Hồng, giá kim loại quý cũng về 78 – 78,98 triệu đồng/lượng.
Như vậy, 7 ngày qua, giá mỗi lượng vàng miếng đã giảm tới 11 triệu đồng, tương đương mức điều chỉnh hơn 12%.
Giá vàng trong nước giảm nhanh khiến chênh lệch với thế giới hiện được thu hẹp về còn 7 triệu đồng/lượng. Trên thị trường quốc tế, kim loại quý neo quanh 2.346 USD/ounce, quy đổi theo tỷ giá Vietcombank tương đương 72 triệu đồng/lượng.
Nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Trương Văn Phước nhìn nhận, việc ủy thác cho 4 ngân hàng và SJC là “liều thuốc hạ sốt” hiệu quả để kéo giá trong nước về sát thế giới. Việc bán vàng miếng “bình ổn” với các bước giá giảm dần, theo ông sẽ khiến giá tiếp tục đi xuống thời gian tới.
Tuy nhiên, theo chuyên gia, để bảo đảm duy trì được mức chênh hợp lý với quốc tế trong dài hạn, Ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp xóa bỏ hẳn việc độc quyền vàng miếng.
TB (theo VnExpress)