Xúc tiến tiêu thụ nông sản: Bắt nhịp xu hướng mới Bắc Ninh: Đa dạng hóa kênh tiêu thụ nông sản theo hướng hiện đại và bền vững |
Bộ Công Thương triển khai nhiều giải pháp xúc tiến tiêu thụ nông sản
Việt Nam đang sở hữu nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp và nông sản đã và đang trở thành một trong những mặt hàng quan trọng, đóng góp vào thương mại nội địa cũng như xuất nhập khẩu. Theo Bộ Công Thương, nông sản được xác định vừa là nguồn lương thực, thực phẩm quan trọng trong nước và sinh kế của người dân, vừa là ngành hàng chiến lược trong cơ cấu mặt hàng xuất khẩu góp phần cải thiện cán cân thương mại và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 9 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 46,28 tỷ USD, tăng 21%; cả năm 2024 có thể đạt 50 – 54 tỷ USD.
Các giải pháp xúc tiến thương mại giúp rộng mở đầu ra cho nông sản Việt (Ảnh: Cấn Dũng) |
TS Lê Quốc Phương – Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương cho biết, nông sản vai trò quan trọng đặc biệt với nền kinh tế bởi nó gắn chặt với đời sống người nông dân – là đối tượng được rất quan tâm. Xuất khẩu nông sản khả quan giúp cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao mức sống, thực hiện tốt các chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Song song với đó, nông sản cũng đang là mặt hàng chiếm tỷ trọng cao tại các chợ truyền thống và siêu thị nội địa. Theo Bộ Công Thương, hiện tỷ trọng hàng nông sản Việt chiếm đến 70-85% tại các kênh phân phối truyền thống và siêu thị hiện đại.
Để có được kết quả này, hoạt động xúc tiến thương mại mặt hàng nông sản đã được thực hiện mạnh mẽ và ngày càng bài bản hơn. Hàng năm, Bộ Công Thương đều dành nguồn kinh phí thích đáng cho công tác xúc tiến thương mại nông sản thông qua tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài với nội dung xúc tiến xuất khẩu nông sản mùa vụ. Hội nghị được tổ chức ở nhiều địa phương là vùng nông sản lớn như: Hải Dương, Bắc Giang… giúp khơi thông đầu ra cho nhiều loại nông sản thế mạnh.
Tại thị trường nội địa, các địa phương, hiệp hội, ngành hàng cũng thường xuyên tổ chức các sự kiện kết nối cung cầu nông sản vào các siêu thị, kênh phân phối hiện đại, chợ truyền thống… Nhờ đó, nông sản Việt Nam đã có mặt ở nhiều kênh phân phối, đáp ứng nhu cầu của phần đông người tiêu dùng. Song song với đó, xúc tiến xuất khẩu nông sản đã phát triển từ xúc tiến trên các kênh phân phối truyền thống đến xúc tiến trên các nền tảng số.
Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương thông tin, triển khai các hoạt động tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng số, đặc biệt là đối với nông sản mùa vụ luôn là hoạt động được quan tâm của Bộ Công Thương. Hiện nay, chương trình đã bước vào giai đoạn tối ưu hoá và mở rộng, tập trung vào việc nâng cao kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số, phát triển thương hiệu, xây dựng năng lực cho doanh nghiệp theo 6 vùng kinh tế trọng điểm.
Dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, sự tham gia của các bộ ngành, hiệp hội, doanh nghiệp, thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại đã triển khai các chương trình xúc tiến thương mại ở các tỉnh là Lào Cai, Hà Nội Đắk Lắk, Hà Giang, Bắc Giang… và khởi tạo nhiều phiên livestream Tự hào hàng Việt trên nền tảng Tik tok để quảng bá sản phẩm đặc trưng vùng miền và đạt được những kết quả nhất định.
“Qua thống kê, các phiên bán hàng đã đạt doanh thu trên 2 tỷ đồng, với trên 8.000 đơn hàng bán ra, tiếp cận hơn 50 triệu lượt xem và tương tác, nhận được sự quan tâm của đông đảo khách hàng” – ông Vũ Bá Phú cho biết.
Ngày càng nhiều mặt hàng, sản phẩm nông sản như gạo, cà phê, rau quả… mang thương hiệu Việt Nam hoặc sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất hiện diện tại các chuỗi siêu thị, các hệ thống bán lẻ, cung ứng, phân phối quốc tế tại các thị trường lớn trên thế giới… Chất lượng sản phẩm, giá cả cạnh tranh, quy trình sản xuất được nâng cao, sự đa dạng về sản phẩm cùng những nỗ lực tuân thủ yêu cầu, quy định về tiêu chuẩn an toàn sản phẩm là những yếu tố quan trọng giúp nông sản Việt Nam đã chinh phục và giành được sự tin tưởng của người tiêu dùng tại nhiều thị trường khó tính như châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản và nhiều quốc gia, đưa Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng, giá trị nông sản toàn cầu.
Về phía các hiệp hội doanh nghiệp, thời gian qua, các hiệp hội, doanh nghiệp đã và đang nỗ lực khai thác hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tăng sản lượng xuất khẩu mặt hàng này vào các thị trường trọng điểm. Đồng thời mở rộng ra thị trường nội địa nhằm gia tăng thị phần, nâng cao hình ảnh nông sản Việt Nam ở thị trường nội địa.
Gia tăng hiệu quả xúc tiến thương mại
Hiệu quả xúc tiến thương mại đã rõ, song hiện nay, sức cạnh tranh về mặt hàng nông sản trên thị trường thế giới và trong nước ngày càng cao. Do đó, thời gian tới, Bộ Công Thương xác định tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu để phát triển thị trường sản phẩm nông sản nhằm gia tăng thị phần ở cả thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và Hiệp hội ngành hàng hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt cơ chế ưu đãi của các FTA mà nước ta đã ký kết, nhất là tận dụng tối đa lượng hạn ngạch thuế quan dành cho Việt Nam.
Ông Vũ Bá Phú cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong hoạt động đàm phán, trong đó chú trọng công tác phối hợp đàm phán mở cửa thị trường, kiểm dịch động – thực vật, và các yêu cầu kỹ thuật khác có liên quan để tạo thuận lợi cho hàng hóa nông sản có thể xuất khẩu nhiều hơn ra thị trường thế giới.
Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Minh Tiến – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp cho hay, nhằm đa dạng hoá các hình thức xúc tiến thương mại, mở ra thị trường mới, gia tăng cơ hội tiếp cận khách hàng và mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội cho các địa phương, điểm nhấn tại Phiên chợ là hoạt động livestream bán nông đặc, sản phẩm OCOP trên nền tảng TikTok và các nền tảng mạng xã hội.
Ông Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh, việc tổ chức các hội chợ, phiên chợ diễn ra nhằm mục tiêu hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất lĩnh vực nông nghiệp phát triển kinh doanh, mở rộng thị trường, hướng nhiều hơn vào thị trường trong nước với phương châm vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và “Hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam”; Tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, tôn vinh sản phẩm nông lâm thủy sản sạch, an toàn; Tạo cầu nối giữa hợp tác xã, doanh nghiệp với người tiêu dùng, giữa sản xuất với tiêu thụ.
Nguồn: https://congthuong.vn/gia-tang-giai-phap-xuc-tien-tieu-thu-nong-san-352918.html