Vừa “trị liệu”, vừa giám sát
Trong số hơn 800 cổ vật được trưng bày Tại triển lãm “Tinh hoa cổ vật Xứ Đông – Hải Dương lần thứ I” do Bảo tàng tỉnh tổ chức, người xem đặc biệt chú ý đến 2 bảo vật quốc gia là trống đồng Hữu Chung và chum gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần. Đây là 2 bảo vật quý hiếm, mang giá trị sâu sắc về văn hóa và lịch sử, được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia lần lượt vào các năm 2015 và 2024.
2 bảo vật này được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương. Chị Nguyễn Thị Liên, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết 2 bảo vật được gìn giữ cẩn thận, để trong tủ kính, tránh bụi bẩn. Khu vực lưu giữ bảo vật được bảo đảm an toàn. Bảo tàng đã làm “trị liệu” cho 2 bảo vật, góp phần kéo dài tuổi thọ, tránh bị tác động bởi thời gian.
Năm 2016, tháp Cửu phẩm Liên hoa ở chùa Động Ngọ, xã Tiền Tiến (TP Hải Dương) được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.
Theo chị Phạm Thị Huê, cán bộ văn hóa, thông tin xã Tiền Tiến, tăng ni, phật tử thường xuyên lau dọn nên tòa Cửu phẩm Liên hoa lúc nào cũng sạch sẽ. Tòa nhà bảo quản tòa Cửu tháp được làm bằng gỗ nên nhà chùa đặt bình cứu hỏa, camera theo dõi bên ngoài tòa nhà.
“Được giữ gìn cẩn thận như vậy nên đã trải qua hơn 330 năm nhưng các đường nét của tòa tháp không bị phai mờ theo thời gian”, chị Huê cho biết.
Vẫn còn khó khăn
Hải Dương hiện có 11 bảo vật quốc gia gồm: bộ tượng Tam Thế Phật, mộc bản chùa Trăm Gian, chum gốm hoa nâu Hiệp An, hệ thống bia ma nhai động Kính Chủ, bia Thanh Mai Viên Thông tháp , bia Sùng Thiên tự, Cửu phẩm Liên hoa chùa Động Ngọ, Cửu phẩm Liên hoa chùa Giám, trống đồng Hữu Chung, bia Côn Sơn Tư Phúc tự, bia Thanh Hư Động. Nguyên vật liệu chế tác các bảo vật này bằng gỗ, đá, gốm, đồng… Nhiều bảo vật được chế tác rất tinh xảo, đã trường tồn hàng trăm năm mà vẫn giữ được nét tinh tế, đặc trưng riêng.
Tuy nhiên, trong quá trình giữ gìn các bảo vật quốc gia này, các địa phương đang gặp không ít khó khăn.
Ông Lê Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Nhật Tân, Trưởng Ban Quản lý di tích chùa Dâu, xã Nhật Tân (Gia Lộc) cho biết do tác động của thời gian nên hiện nay nhiều chữ trên bia Sùng Thiên tự đã mờ, không còn nhìn rõ. Nhiều nhà nghiên cứu muốn hiểu được ý nghĩa của các chữ trên bia đều phải dùng kỹ thuật in chữ ra giấy trắng sau đó mới đọc được.
Bà Trần Thị Bạt, người trông coi chùa Dâu lo lắng: “Nếu không có biện pháp thì những chữ này sẽ mờ đi theo thời gian, rất khó đọc. Những người muốn nghiên cứu về chùa sẽ không còn tư liệu”.
Cho dù đã có nhiều giải pháp bảo vệ song do được làm bằng gỗ nên tòa nhà gỗ đặt Cửu phẩm Liên hoa ở chùa Động Ngọ đã xuất hiện mối mọt, nhiều chỗ bị thủng. Để tu sửa các hạng mục này cần nguồn kinh phí lớn, kỹ thuật cao, đồng thời thủ tục cũng chặt chẽ, thời gian kéo dài.
Ngoài những khó khăn trên, hiện nay khu vực bảo vệ một số bảo vật quốc gia chưa có hệ thống phòng cháy, chữa cháy, chưa có camera giám sát, nguồn nhân lực bảo vệ cũng hạn chế…
Vừa qua, ngôi chùa 800 năm tuổi Phổ Quang (xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, Phú Thọ) bị cháy. Bàn thờ Phật bằng đá được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2021 bị hư hỏng, một số vị trí bị nứt vỡ sau hỏa hoạn. Điều đó cho thấy, nếu không được bảo vệ cẩn thận, các bảo vật quốc gia cho dù làm bằng nguyên liệu gì cũng có thể bị hư hỏng. Đó là chưa kể giá trị bảo vật quốc gia rất lớn, nếu không bảo vệ cẩn thận có thể mất bất kỳ lúc nào.
Nhiều địa phương, cơ sở nơi lưu giữ mong muốn được quan tâm hơn nữa để bảo vật quốc gia trường tồn với thời gian.
HÀ NGÂN
Nguồn: https://baohaiduong.vn/gan-camera-trong-bao-vat-quoc-gia-397388.html