Buổi lễ có sự chứng kiến của đại diện các sở, ban, ngành tỉnh Lâm Đồng, UBND thành phố Đà Lạt và nhiều du khách đang tham quan tại Ga đường sắt cổ và đẹp nhất Đông Dương này.
Tại lễ công bố, ông Trần Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, với mong muốn đưa Ga Đà Lạt trở thành điểm đến của văn hóa, nghệ thuật, lịch sử và di sản, những năm gần đây, cùng với việc đổi mới nâng cấp nhà ga, ngành Đường sắt đã đầu tư nâng cấp, phát triển các sản phẩm vận tải trên tuyến Đà Lạt – Trại Mát để hình thành nên một chuỗi cung ứng dịch vụ hoàn chỉnh, tạo điểm nhấn về du lịch như: phát động phong trào “Đường tàu, đường hoa”, khai trương “Hành trình đêm Đà Lạt”…
Nhờ đó, 6 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách đến ga Đà Lạt tham quan và đi tàu đạt trên 275 nghìn lượt người. Tổng doanh thu từ các hoạt hoạt động khai thác du lịch tại Ga Đà Lạt đạt trên 11,4 tỷ đồng.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Trung Kiên đánh giá, Ga đường sắt Đà Lạt không chỉ là một công trình kiến trúc đặc sắc của thành phố Đà Lạt mà còn là nơi ghi dấu ấn đặc biệt trong lịch sử ngành Đường sắt Việt Nam. Năm 2001, Ga đường sắt Đà Lạt được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp Quốc gia. Thời gian qua, Ga đường sắt Đà Lạt đã tích cực đưa sản phẩm “Hành trình đêm Đà Lạt” vào khai thác, mang đến cho hành khách những trải nghiệm mới, cảm nhận vẻ đẹp của thành phố Đà Lạt về đêm, góp phần đa dạng hóa dịch vụ, phát triển du lịch và kinh tế đêm. Hiện nay, Ga đường sắt Đà Lạt đang là một địa điểm du lịch nổi tiếng thu hút khách đến tham quan, khám phá lịch sử và trải nghiệm tàu hỏa đường sắt tại thành phố Đà Lạt.
Việc tổ chức Lễ công bố quyết định công nhận điểm du lịch “Ga đường sắt Đà Lạt” là dịp thực hiện hiệu quả công tác truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ trong và ngoài nước nghiên cứu, tìm hiểu về cơ hội và hợp tác đầu tư tại Ga đường sắt Đà Lạt. Qua đó, thúc đẩy các doanh nghiệp du lịch nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với bảo vệ cảnh quan môi trường, tạo ra sản phẩm du lịch khác biệt, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến Đà Lạt, Lâm Đồng.
Thời gian tới, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sẽ thuê đơn vị tư vấn xây dựng quy hoạch tổng thể mặt bằng đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ khách du lịch tại Ga Đà Lạt với 12 hạng mục. Theo đó, sẽ đầu tư thêm toa xe để chạy tàu từ Ga Đà Lạt đến Ga Trại Mát và tổ chức chạy tàu đón bình minh, ngắm cảnh thành phố Đà Lạt… Tiếp đó, chủ đầu tư sẽ xây dựng đề án thu phí tham quan Điểm du lịch “Ga đường sắt Đà Lạt” và phương án giá dịch vụ trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Dự kiến, Điểm du lịch này sẽ triển khai thu phí tham quan du lịch theo mức giá mới từ ngày 1/10/2024…
Ga Đà Lạt được người Pháp xây dựng từ năm 1932 và hoàn thành vào năm 1938. Công trình kiến trúc cổ độc đáo này được lấy cảm hứng thiết kế từ núi Langbiang huyền thoại và mái nhà rông Tây Nguyên truyền thống. Đây là nhà ga xe lửa duy nhất của khu vực Tây Nguyên. Ga Đà Lạt gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển đô thị “xứ ngàn thông”, được coi là nhà ga xe lửa cổ đẹp nhất Việt Nam và Đông Dương.
Với những giá trị đặc biệt về kiến trúc, văn hóa, Ga Đà Lạt được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 2001 và từ lâu đã trở thành điểm đến hấp dẫn không thể thiếu đối với du khách khi đến thành phố Đà Lạt…
Nguồn: https://baohaiduong.vn/ga-da-lat-thanh-diem-du-lich-387118.html