Dự án đầu tư xây dựng đường tỉnh 396 kéo dài (đoạn nối từ đường tỉnh 391 đến đường tỉnh 390) nhằm hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông khu vực, hình thành trục vành đai của tỉnh, góp phần kết nối, tạo đà phát triển kinh tế – xã hội các vùng lân cận.
Đồng bộ hạ tầng giao thông
Nếu tính đường chim bay từ nhà ông Đỗ Văn Bai ở thôn Hàm Hy, xã Cộng Lạc (Tứ Kỳ) đi xã Vĩnh Lập (Thanh Hà) chỉ chừng 9 km. Thế nhưng mỗi khi có việc sang Thanh Hà, ông Bai phải đi hơn 23 km từ nhà ra đường tỉnh 391 qua quốc lộ 10 rồi qua đường tỉnh 390 đến Thanh Hà. Ông Bai chia sẻ: “Từ nhà tôi sang Thanh Hà nếu muốn gần thì chỉ có cách đi đò còn nếu không muốn đi đò thì phải chấp nhận đi đường xa gấp mấy lần”.
Huyện Tứ Kỳ và Thanh Hà có vị trí địa lý gần nhau nhưng tuyến giao thông kết nối 2 địa phương còn nhiều khó khăn. Hằng ngày, nhiều người dân của huyện Thanh Hà và Tứ Kỳ vẫn đi lại qua những con đò ngang trên sông Thái Bình như đò Bầu, đò Sỹ, đò Lạng… để sang làm việc, giao thương. Đi qua đò gần hơn nhưng có nhiều cái bất tiện, đối mặt với rủi ro, nguy hiểm vào mùa lũ cũng như lúc triều cường. Nhưng nếu đi đường bộ theo 2 hướng từ Tứ Kỳ đi TP Hải Dương đến Thanh Hà hoặc từ Tứ Kỳ đi xã Nguyên Giáp theo quốc lộ 10 đến Thanh Hà đều là đường “vòng thúng”. Bởi vậy dự án cải tạo nâng cấp đường tỉnh 396 kéo dài (đoạn nối tư đường tỉnh 391 đến đường tỉnh 390) thực sự là niềm mong mỏi của người dân 2 địa phương.
Dự án đầu tư xây dựng đường tỉnh 396 kéo dài (đoạn nối từ đường tỉnh 391 đến đường tỉnh 390) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư, kinh phí khoảng 846,420 tỷ đồng. Tổng chiều dài tuyến chính khoảng 7,61 km (trong đó đoạn thuộc địa phận huyện Thanh Hà khoảng 3,66 km, đoạn thuộc địa phận huyện Tứ Kỳ khoảng 3,95 km).
Điểm đầu dự án kết nối với nút giao giữa đường trục Đông – Tây với đường tỉnh 391 tại km24+600 thuộc địa phận xã Cộng Lạc (Tứ Kỳ). Tuyến đi theo hướng đông bắc qua địa phận các xã Cộng Lạc, An Thanh (Tứ Kỳ), vượt sông Thái Bình đi sang địa phận xã Vĩnh Lập, nhập về đường huyện Thanh Cường-Vĩnh Lập, tiếp tục đi theo đường hiện có đấu nối với nút giao giữa đường tỉnh 390 với đường dẫn cầu Quang Thanh tại km35+181,37 thuộc địa phận xã Thanh Cường (Thanh Hà).
Theo dự án, phần đường được đầu tư xây dựng theo quy mô đường cấp III đồng bằng, tốc độ thiết kế 80 km/giờ, nền đường rộng 12 m, mặt đường rộng 11 m, kết cấu mặt đường bê tông nhựa cấp cao A1. Trong đó đoạn từ km0 – km5+296,56 đi qua địa phận xã Cộng Lạc, An Thanh (Tứ Kỳ) và xã Vĩnh Lập (Thanh Hà) dài khoảng 5,27 km được làm hoàn toàn mới. Còn đoạn đường tỉnh 390 từ km6+80-km7+610,60 thuộc địa phận huyện Thanh Hà dài khoảng 1,53 km được cải tạo, nâng cấp. Đồng thời xây dựng một cây cầu vượt sông với kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực, chiều rộng cầu 12 m, khổ thông thuyền cho sông cấp III.
Tạo động lực phát triển
Dự án đầu tư xây dựng đường tỉnh 396 kéo dài sau khi hoàn thành sẽ hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông khu vực theo quy hoạch, hình thành trục vành đai của tỉnh kết nối các huyện Bình Giang, Thanh Miện, Ninh Giang, Tứ Kỳ và Thanh Hà. Đường này kết nối liên thông với đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và quốc lộ 37, tạo thuận lợi về lưu thông và liên kết các huyện phía đông nam của tỉnh Hải Dương với các tỉnh, thành phố lân cận.
Theo Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, vùng phía đông nam tỉnh bao gồm các huyện Thanh Hà, Ninh Giang và Tứ Kỳ là vùng phát triển nông nghiệp đặc sản, gắn với sản xuất hàng hoá; các trung tâm công nghiệp chế biến, công nghiệp nhẹ; phát triển các ngành du lịch, thương mại dịch vụ liên kết với nông nghiệp. Xây dựng các cụm đô thị gắn kết với vùng sản xuất. Vì thế đường 396 kéo dài sẽ là tuyến giao thông huyết mạch kết nối trực tiếp 3 địa phương này và các vùng lân cận.
Đồng chí Hoàng Tuấn Nhã, Chủ tịch UBND xã An Thanh cho biết việc đầu tư dự án cải tạo nâng cấp đường tỉnh 396 kéo dài (đoạn nối tư đường tỉnh 391 đến đường tỉnh 390) có ý nghĩa rất quan trọng, giúp người dân đi lại thuận lợi. Không những vậy, cung đường sẽ mở ra cơ hội kết nối giao thương kinh tế giữa huyện Tứ Kỳ, Ninh Giang với huyện Thanh Hà, rút ngắn thời gian, chi phí đi Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Riêng với xã An Thanh, dự án này sẽ tạo ra cơ hội để các sản phẩm nông nghiệp đã có thương hiệu của xã là rươi, cáy, gạo hữu cơ tiêu thụ thuận lợi hơn, góp phần để kinh tế-xã hội của xã phát triển mạnh mẽ.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, hiện nay đoạn từ km5+269,56 – km7+610,6 và nhánh 3 nút giao tại km5 đang triển khai công tác giải phóng mặt bằng. Tổng diện tích đất thu hồi khoảng 3,9 ha, liên quan đến 219 hộ dân và 1 tổ chức. Đến nay, Hội đồng Giải phóng mặt bằng huyện Thanh Hà đã cơ bản hoàn thành công tác kiểm đếm, phê duyệt phương án bồi thường đất nông nghiệp, đang xác định nguồn gốc đất để lập phương án bồi thường phần diện tích đất ở. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đang thực hiện công tác thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công để tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng. Với các đoạn tuyến còn lạị, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đang lựa chọn nhà thầu khảo sát thiết kế và phối hợp với các địa phương triển khai công tác giải phóng mặt bằng.
HÀ NGA