Sau một thời gian trồng, dưa chuột gai thuộc đề tài “Nghiên cứu phục tráng và phát triển giống dưa chuột gai để bổ sung vào cơ cấu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh Hải Dương” của Trung tâm Thực nghiệm cây lương thực và cây thực phẩm (Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm) đã mang lại những kinh tế bước đầu.
Trong vụ đầu tiên dưa chuột gai được trồng theo mô hình thương phẩm, cây sinh trưởng, phát triển khỏe, nhiều nhánh, chống chịu bệnh sương mai và phấn trắng khá, đặc biệt chịu lạnh tốt. Vì vậy, giống có thể trồng được 3 vụ trong năm (đông xuân, xuân và vụ thu đông). Quả có màu xanh, gai nổi, ăn giòn, đặc ruột và có mùi thơm đặc trưng, bảo quản được thời gian dài hơn, không bị xốp đầu quả.
Năng suất dự kiến đạt từ 35-40 tấn/ha, giá bán từ 12.000-14.000 đồng/kg, tổng thu nhập khoảng 400-480 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí và công lao động, thu lãi từ 260-300 triệu đồng/ha.
Dưa chuột gai được trồng theo mô hình thương phẩm trên quy mô 40 ha tại các xã Văn Tố (Tứ Kỳ), Hưng Long (Ninh Giang), Tân Trào (Thanh Miện), Thống Kênh (Gia Lộc) và Quốc Tuấn (Nam Sách) trong vụ đông xuân 2023-2024. Trước đó, dưa chuột gai đã được Ban chủ nhiệm đề tài khôi phục để lấy hạt giống trồng thương phẩm.
PV