Giao thông tạo sức mạnh liên kết vùng kinh tế trọng điểm Đông Bắc Bộ
Bài 1: Giao thông kết nối vùng – nền tảng phát triển bền vững
Bài 2: Hải Phòng với chiến lược giao thông đi trước mở đường
Bài 3: Thủy Nguyên – thành phố tương lai và kỳ vọng bứt phá
Bài 4: Những công trình giao thông trọng điểm giúp Quảng Ninh “cất cánh”
Bài 5: Thành phố Mỏ bứt phá nhờ giao thông hiện đại
Bài 6: Nam Định: Xóa thế “ốc đảo”, thu hút đầu tư
Bài 7: Huyện ven biển từ “thế cụt” giao thông thành “cửa ngõ” kết nối
Bài 8: Thái Bình: Giao thông kết nối tạo đột phá phát triển
Chú trọng không gian đô thị và tầm nhìn phát triển
Vài năm trở lại đây, bằng nhiều nguồn lực đầu tư, hạ tầng giao thông tại TP Chí Linh được cải tạo, nâng cấp với quy mô đồng bộ, mang tính đột phá giúp tăng khả năng kết nối. Đường làng ngõ xóm được mở rộng theo tiêu chí đô thị.
Đến nay, tại TP Chí Linh không hiếm gặp những con đường nội thị hoặc các tuyến đường khang trang, rộng rãi kết nối giữa các địa phương trong thành phố.
Điển hình như phố Nguyễn Huệ thuộc khu dân cư Nguyễn Trãi 1, phường Sao Đỏ trước đây đường nhỏ hẹp, lượng phương tiện qua lại tương đối đông nên gây bất tiện cho cả người tham gia giao thông và người ở hai bên đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Sau khi được cải tạo, nâng cấp, tuyến đường này trở thành tuyến phố văn minh với hệ thống chiếu sáng, cây xanh, vỉa hè theo đúng tiêu chuẩn.
Hay như những công trình giao thông liên kết vùng được TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương quy hoạch triển khai như phát triển mới các tuyến đường tránh tỉnh lộ 398B; đường nối quốc lộ 18 với đường dẫn cầu Hàn, huyện Nam Sách.
Đường từ nút giao với quốc lộ 37 gần khu di tích Côn Sơn đi hướng Tây lên cầu Đồng Việt; đường từ quốc lộ 37 qua phường Cộng Hòa, Hoàng Tiến sang tỉnh Quảng Ninh; đường đấu nối tỉnh lộ 398B đi qua xã Hoàng Hoa Thám kết nối với đường 345 tỉnh Quảng Ninh; các tuyến đường ven sông Kinh Thầy, sông Thương…
Trong đó, tuyến tỉnh lộ 398 nhánh Côn Sơn kết nối quốc lộ 37 qua chùa Côn Sơn đóng vai trò quan trọng xây dựng TP Chí Linh trở thành điểm đến trong chuỗi hành trình di sản kết nối các khu du lịch tâm linh của Hải Dương – Bắc Ninh – Bắc Giang – Quảng Ninh. Đây cũng là tuyến giao thông huyết mạch, có vai trò quan trọng trong mở rộng phát triển thương mại – du lịch của TP Chí Linh.
Được biết, TP Chí Linh đã hoàn thành việc điều chỉnh và công bố quy hoạch chung thành phố đến năm 2040 – mở ra định hướng rõ nét về tổ chức không gian đô thị và tầm nhìn phát triển mới của Chí Linh.
Theo điều chỉnh quy hoạch chung, không gian phát triển thành phố chia thành 3 vùng: Vùng I (vùng lõi) phát triển du lịch tâm linh sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với bảo tồn di sản văn hóa Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc (quy mô 7.510ha).
Vùng II (vùng phía Bắc quốc lộ 18) phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với nghỉ dưỡng (quy mô 10.132ha). Vùng III (vùng phía Nam quốc lộ 18) phát triển đô thị mới, dịch vụ thương mại và công nghiệp công nghệ cao (quy mô 10.650,72ha).
Bên cạnh đó, Chí Linh sẽ tập trung phát triển với 4 trụ cột kinh tế bao gồm: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao chất lượng cao, du lịch tâm linh; đô thị xanh, năng động, hiện đại gắn với phát triển dịch vụ tâm linh, sinh thái; công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hiện đại, công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Đến năm 2030 là đô thị loại II, định hướng tiến tới đô thị loại I trong hệ thống đô thị tỉnh Hải Dương và quốc gia; có vị trí quan trọng về an ninh và quốc phòng.
Điểm sáng giải phóng mặt bằng dự án giao thông
Một trong những điểm nhấn của công tác phát triển cơ sở hạ tầng giao thông ở TP Chí Linh là giải phóng mặt bằng (GPMB). Với những cách làm hay, sáng tạo, nhiều dự án giao thông ở TP Chí Linh đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng vượt tiến độ, giảm được chi phí đầu tư cho dự án.
Hiện nay tỉnh Hải Dương, tỉnh Bắc Giang và các cơ quan liên quan đang tập trung hoàn thành 3 dự án giao thông kết nối với quốc lộ 37 trong khu vực gồm: Dự án cầu Đồng Việt vượt sông Thương giữa Bắc Giang – Hải Dương, kết nối với quốc lộ 1 và đường cao tốc Hà Nội – Bắc Giang, tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng; tuyến nối quốc lộ 37 (tại ngã ba An Lĩnh) vào đền Kiếp Bạc với tổng mức đầu tư là 1.218 tỷ đồng; dự án mở rộng đường từ quốc lộ 37 vào chùa Côn Sơn với tổng đầu tư là 279 tỷ đồng.
Ban đầu khi ba dự án triển khai, công tác GPMB gặp khó khăn khi người dân không đồng thuận do vướng mắc về nguồn gốc đất, giá đất… Trước tình trạng đó, lãnh đạo TP Chí Linh đã tới các hộ, nắm bắt nguyện vọng, giải thích rõ chính sách để người dân hiểu đúng hơn và sớm đồng thuận chủ trương thực hiện.
Đồng thời, ghi nhận những kiến nghị của người dân và đề xuất Hội đồng Giải phóng mặt bằng thành phố có phương án giải quyết các vướng mắc theo nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân và tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Ngoài việc rà soát, nắm chắc từng trường hợp người dân còn kiến nghị để tiếp thu, giải trình, TP Chí Linh tăng cường tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân. Thành phố bố trí cán bộ có năng lực và kinh nghiệm tham gia làm công tác đền bù, GPMB.
Các khâu thực hiện GPMB được thực hiện nghiêm theo quy định, kiên quyết đối với những trường hợp cố tình chây ỳ. UBND các xã, phường thực hiện tốt việc xét duyệt nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất, tạo lập tài sản trên đất; kịp thời phát hiện các nội dung không phù hợp để kiến nghị, điều chỉnh đúng quy định, tránh gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức và cá nhân…
Để phục vụ các dự án này, TP Chí Linh phải thu hồi trên 350 thửa đất thuộc quyền sử dụng của hơn 300 tổ chức, gia đình, cá nhân.
Cũng với cách làm này, năm 2023, TP Chí Linh tập trung quyết liệt GPMB nhanh 17 dự án bảo đảm các trình tự của pháp luật, tạo được sự đồng thuận của người dân. TP Chí Linh đã thực hiện chi trả gần 500 tỷ đồng tiền đền bù, hỗ trợ cho trên 1.600 hộ dân bị ảnh hưởng.
Dù khối lượng công việc lớn, thời gian ít nhưng không trường hợp nào phải dùng biện pháp hỗ trợ thi công, cưỡng chế thu hồi, quyền lợi chính đáng của người dân đều được bảo đảm… Địa phương bảo đảm tiến độ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai các dự án, công trình trên địa bàn…
“Để tiếp tục thực hiện tốt công tác GPMB, địa phương tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tăng cường đoàn kết, phát huy dân chủ, quan tâm bảo đảm lợi ích chính đáng của người dân đối với công tác giải phóng mặt bằng”, Chủ tịch UBND TP Chí Linh Nguyễn Văn Huỳnh cho biết.
Trong định hướng phát triển không gian đô thị, thành phố Chí Linh sẽ được xây dựng phát triển theo các trụ cột kinh tế – xã hội gồm: Thứ nhất là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao chất lượng cao; du lịch tâm linh nhằm khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế vốn có của thành phố. Thứ hai là định hướng đô thị xanh, năng động, hiện đại gắn với phát triển dịch vụ sinh thái, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hiện đại…