Cải thiện môi trường đầu tư
Năm 2023, môi trường đầu tư của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, nhất là công tác cải cách thủ tục hành chính. Hiện nay, 100% số thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư kinh doanh đủ điều kiện đều được thực hiện trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Nhiều thủ tục hành chính đã được rút ngắn thời gian giải quyết, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sớm triển khai dự án. Điển hình như việc đăng ký thành lập doanh nghiệp giảm từ 3 ngày xuống 2 ngày. Cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư giảm từ 15 ngày xuống 7 ngày. Cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài giảm từ 7 ngày xuống 3 ngày…
Nhà đầu tư CE LINK Limited (Trung Quốc) đã rót 60 triệu USD để xây dựng nhà máy sản xuất, gia công linh kiện điện tử và gia công dây cáp truyền tín hiệu ô tô… tại khu công nghiệp An Phát 1. Trong quá trình làm thủ tục đầu tư, CE LINK Limited cho biết doanh nghiệp đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ các ban, ngành chức năng của tỉnh. Việc xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả. “Chúng tôi tin rằng với môi trường đầu tư luôn có sự hỗ trợ, chỉ đạo quyết liệt từ phía chính quyền, CE LINK sẽ có những bước phát triển bền vững tại Hải Dương. Chúng tôi cam kết sẽ sớm triển khai các giai đoạn của dự án theo đúng quy định để đưa nhà máy sớm đi vào vận hành”, đại diện nhà đầu tư CE LINK Limited nói với phóng viên.
Ông Wang Yong Qiang, Giám đốc Bộ phận kỹ thuật công trình, Công ty TNHH Hàng tiêu dùng Kim Dương Việt Nam ở khu công nghiệp Cộng Hoà cho hay, hầu hết các thủ tục hành chính đều được hoàn thiện sớm hơn từ 2-3 ngày so với thời gian niêm yết, giúp doanh nghiệp tiết kiệm nhiều thời gian và công sức.
Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, ban đã thực hiện tốt việc rút ngắn thời gian làm thủ tục. Hầu hết các thủ tục trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, lao động… đều được rút ngắn từ 1/3 – 1/2 thời gian giải quyết theo quy định. Nhờ đó, năm 2023, các khu công nghiệp trong tỉnh đã thu hút được 56 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 1 tỷ USD; điều chỉnh cho 31 lượt dự án FDI tăng vốn đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm khoảng 212,6 triệu USD.
Sở Công thương cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm, chất lượng tư vấn, hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính cho nhà đầu tư cụm công nghiệp. Hiện nay, tất cả 121 bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của sở đã được triển khai ở mức độ 3 và 4, đặc biệt là việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) từ bản giấy sang cấp trực tuyến, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu thông thoáng. Năm 2023, tổng số C/O được cấp khoảng 17.048 bộ với tổng giá trị trên 1,4 tỷ USD.
Tạo mặt bằng sạch
Năm 2023, Hải Dương có 5 khu công nghiệp ở các huyện: Bình Giang, Cẩm Giàng, Gia Lộc, Kim Thành đang triển khai giải phóng mặt bằng với tổng diện tích khoảng 938 ha. Riêng khu công nghiệp An Phát 1 với diện tích 180 ha đã cơ bản hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật để thu hút đầu tư. Thời gian qua, chính quyền địa phương và chủ đầu tư hạ tầng đã triển khai nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, 5 khu công nghiệp đang triển khai giải phóng mặt bằng có 649 ha đất công nghiệp cho thuê, diện tích còn lại phục vụ xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Hiện 5 khu công nghiệp này đã giải phóng mặt bằng được 588 ha, chiếm 62% tổng diện tích. Trong đó 410 ha đã được tỉnh bàn giao đất cho chủ đầu tư hoàn thiện hạ tầng giai đoạn 1 để thu hút đầu tư.
Khu công nghiệp Đại An mở rộng giai đoạn 2 có diện tích trên 227 ha thuộc địa bàn các xã Cẩm Đông, Cẩm Đoài (Cẩm Giàng). Dự án này do Công ty TNHH một thành viên Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Đại An làm chủ đầu tư với tổng vốn khoảng 2.300 tỷ đồng. Ngoài nguồn dư địa dồi dào, khu công nghiệp này còn được nhiều nhà đầu tư đánh giá là điểm đến tiềm năng do có vị trí giao thông thuận lợi, kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Đến nay, khu công nghiệp Đại An mở rộng giai đoạn 2 đã giải phóng mặt bằng được 146 ha. Toàn bộ diện tích này đã được tỉnh bàn giao cho chủ đầu tư hoàn thiện hạ tầng giai đoạn 1.
Ngay cuối tháng 12, khu công nghiệp Phúc Điền mở rộng cũng đã được khởi công. Quy mô khu công nghiệp này là 235,6 ha với tổng vốn đầu tư gần 2000 tỷ đồng.
Khi đi vào hoạt động, các khu công nghiệp này sẽ tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động và là “đầu kéo” chủ lực cho các doanh nghiệp vệ tinh trên địa bàn.
Sở Công thương đã phối hợp triển khai đẩy nhanh các dự án đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp để có quỹ đất công nghiệp thu hút các dự án đầu tư, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thứ cấp thực hiện nhanh các thủ tục đầu tư tại các cụm công nghiệp; phối hợp thu hút phát triển công nghiệp theo hướng ưu tiên công nghệ cao, sạch và thân thiện với môi trường. Sở cũng phối hợp với các sở, ngành liên quan tiếp tục theo dõi, khảo sát tình hình đầu tư hạ tầng của các chủ đầu tư và hoạt động của các doanh nghiệp đầu tư thứ cấp trong các cụm công nghiệp, nắm bắt, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc.
Nhờ những giải pháp đồng bộ tạo mặt bằng sạch, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Hải Dương được đánh giá là 1 trong 20 địa phương có chất lượng hạ tầng công nghiệp tốt nhất cả nước. Đây là lợi thế nổi trội để Hải Dương lọt vào danh sách những điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp nước ngoài.
Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 58 cụm công nghiệp đã được UBND tỉnh quyết định thành lập với tổng diện tích 2.942,61ha. Trong đó có 32 cụm công nghiệp đã thu hút trên 400 dự án thứ cấp vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 80%.
Năm 2023, tổng giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) của Hải Dương ước đạt 333.506 tỷ đồng, ước tăng 8,1%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2023 ước tăng 8,3%. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có mức tăng cao so với cùng kỳ như: lắp ráp ô tô tăng 37,7%; điện sản xuất tăng 17%; thức ăn chăn nuôi tăng 11,3%…
ĐỖ QUYẾT-HUYỀN TRANG