“Thổi hồn” vào từng tác phẩm
Lựa chọn từng quả dừa, cắt sao để giữ được phần cuống dừa đẹp mắt, rồi tỉ mẩn vẽ từng nét trên quả dừa thô ráp… Công việc này đã trở nên quen thuộc với chị Lý Thị Thanh Nga ở xã An Thượng (TP Hải Dương) mỗi dịp cận Tết Nguyên đán.
Chị Nga là giáo viên mỹ thuật của Trường THCS Tân Bình (TP Hải Dương). Năm 2018, khi thấy những quả dừa thô ráp được “hô biến” thành những tác phẩm nghệ thuật, chị thích thú và mày mò làm thử. Ban đầu chỉ để dành tặng người thân, bạn bè trong dịp Tết… Nhưng khi thấy những quả dừa độc đáo được nhiều người ưa thích, chị vẽ với số lượng lớn để bán. Giờ đây, cứ vào dịp này, chị Nga lại tất bật tô điểm cho những quả dừa để kịp giao cho khách. Thông thường, mỗi dịp Tết, chị vẽ hơn 1.000 quả dừa để bán ra thị trường.
Việc “thổi hồn” vào những quả dừa thô cũng lắm công phu, từ việc tìm nhà vườn mua dừa, rồi khâu chọn dừa. Dừa thường được bài trí trong nhà khoảng 1 tháng trở lên nên chị Nga thường lựa chọn quả dừa loại từ bánh tẻ trở đi, quả tròn, đẹp, không trầy xước, lồi, lõm. “Thông thường mỗi buồng dừa chỉ chọn được vài quả ưng ý, nhưng phải mua cả buồng. Những quả dừa vừa ý sẽ được phủ lớp sơn nền, sau đó đem phơi nắng rồi mới vẽ với nhiều mẫu đa dạng. Dừa được vẽ theo cặp hoặc từng quả riêng lẻ. Nếu theo từng cặp thì các quả phải cân đối, hài hòa tạo thành tác phẩm đồng nhất. Để tạo tác phẩm dừa hoàn chỉnh phải mất tới vài giờ đồng hồ”, chị Nga nói.
Có cùng đam mê và sở thích nghệ thuật, chị Vũ Thị Hằng ở xã An Phú (Nam Sách) cũng say mê với việc vẽ thư pháp trên dừa. Đây là năm thứ 8 liên tiếp chị làm công việc này. Khách hàng của chị không chỉ là người dân địa phương mà còn lan tỏa đến các tỉnh, thành phố lân cận như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang… và một số tỉnh ở miền Trung. Thời điểm này, chị phải làm liên tục mới đủ phục vụ nhu cầu của khách.
Công việc này không chỉ giúp chị Hằng có thêm thu nhập mà còn giúp chị thỏa mãn đam mê hội họa và điêu khắc. Đặc biệt, khi những tác phẩm do chính đôi bàn tay của mình làm ra được khách hàng nâng niu và trân trọng, chị thấy hạnh phúc hơn. Ngoài vẽ thư pháp trên quả dừa, chị còn khắc chữ trên dưa hấu.
Chị Hằng cho biết: “So với viết thư pháp trên dừa thì dưa hấu yêu cầu cao hơn và thời gian vẽ cũng ngắn hơn. Dưa phải già quả, vỏ đen, khi khắc cạo mới cho hình ảnh sắc nét và không bị xanh nền. Một tác phẩm đạt yêu cầu phải bảo đảm tiêu chí quả tròn đều đặn, căng bóng đẹp mắt, các nét chữ phải tinh tế, uyển chuyển, bố cục cân đối, màu sắc hài hòa.”
Độc đáo
Vài năm trở lại đây, những quả dừa vàng, dưa hấu khắc chữ không còn xa lạ với người dân Hải Dương.
Từ những loại quả gần gũi, dưới bàn tay tài hoa của những người thợ đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo được trưng bày trong dịp Tết. Ngắm những quả dừa, quả dưa với những nét vẽ chữ thư pháp như “phúc – lộc”, “tài – lộc” hay “vạn sự như ý”… được điểm tô thêm những cành mai, cành đào, chúng ta cảm thấy vui tươi, phấn khởi khi Tết đến, xuân về.
Anh Nguyễn Xuân Lợi, giảng viên Trường Cao đẳng Du lịch và Công thương Hải Dương, một người chuyên điêu khắc dưa hấu cho biết, để có một tác phẩm ưng ý, người thợ phải mất nhiều thời gian để hoàn thành. Vì thế, giá mỗi quả dừa hay dưa hấu khắc chữ cũng tùy thuộc vào độ cầu kỳ của người thợ làm ra nó. Mỗi cặp dừa có giá từ 350.000 – 500.000 đồng hoặc cao hơn. Dưa hấu cũng tùy từng loại, có những tác phẩm cầu kỳ, đòi hỏi nhiều công sức có giá lên đến cả triệu đồng/quả. “Dù giá bán cao nhưng trải qua nhiều công đoạn và mất thời gian nên thu nhập từ công việc này cũng không cao. Tuy nhiên, được mọi người mong chờ và đón nhận nên cảm thấy rất vui”, anh Lợi nói thêm.
Ngoài khắc hình thủ công, dịp Tết nhiều cơ sở còn có dịch vụ khắc chữ công nghệ laze khá hiện đại. Tuy nhiên, việc khắc bằng máy dù tinh xảo và đa dạng nhưng không bền như khắc thủ công do vỏ quả dưa hấu thường bị héo, co lại sau vài ngày bị tác động bởi nhiệt. Những quả dưa hấu này cũng có giá “mềm” hơn những sản phẩm thủ công.
Chị Bùi Thị Thuý ở phường Thanh Bình (TP Hải Dương) cho biết bên cạnh mâm ngũ quả, năm nào chị cũng trưng thêm cặp dừa thư pháp vàng. Những quả dừa được trang trí công phu này giúp cho ngôi nhà trở nên rực rỡ và đầm ấm hơn. “Dưới bàn tay khéo léo của người thợ, mỗi cặp dừa không chỉ đơn thuần là một tác phẩm nghệ thuật mà còn mang thông điệp mong muốn năm mới bình an và nhiều tài lộc”, chị Thúy nói.
Với đôi bàn tay khéo léo của mình, những nghệ nhân, người thợ đã làm phong phú thêm thị trường dịp Tết, “thổi hồn” vào các tác phẩm để ngày Tết thêm phần tươi vui và rực rỡ.
TRẦN HIỀN
Nguồn: https://baohaiduong.vn/doi-ban-tay-tai-hoa-ve-them-sac-tet-403703.html