Sắm đèn pin đi chợ
Ăn xong bữa tối, anh Trần Văn Thâu, một lái cau ở xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng lật đật đứng lên đi tìm đèn pin để đi chợ cau tại thôn Đống Lứa, xã Quảng Thanh, huyện Thủy Nguyên.
Đưa cho PV chiếc đèn, anh Thâu giải thích: “Muốn mua được cau đẹp phải soi đèn, vì chỉ đi một vòng quanh chợ, nếu không chọn được cau là phải đợi đến hôm sau. Cau nhiều nhưng rất đắt khách, cau được thương lái các tỉnh khác đến mua rất nhanh, vì các buồng cau đã được lựa chọn rất kỹ”.
Theo anh Thâu, chợ cau xã Quảng Thanh họp từ trung tuần tháng 9 năm trước đến tháng 5 năm sau, bởi vụ cau chính cũng bắt đầu vào thời gian này. Và không biết có từ bao giờ, chợ cau đêm chỉ họp đúng từ 20 – 21h hằng ngày. Chợ chỉ bán mặt hàng duy nhất là những buồng cau đẹp nhất được hái từ các vườn tại huyện Thủy Nguyên.
Tuy nhiên, chợ cau thu hút nhiều thương lái từ các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên và Hà Nội đến mua.
Người dân Quảng Thanh cho biết, chợ cau ở đây được coi là chợ đầu mối chuyên thu mua, buôn bán cau lớn nhất phía Bắc. Trước đây, chợ còn có tên gọi khác là chợ Sáng, nằm ở hai lề đường của tuyến quốc lộ 352. Người bán bày hàng ngay dưới lòng đường, gây mất an toàn giao thông vì đoạn đường trên không có đèn điện chiếu sáng, mật độ giao thông cao.
Sau đó, các thương lái đã di chuyển chợ về khu vực trên từ năm 2009. Thực tế, ban ngày ở đây vẫn là khu chợ dân sinh, đến chiều muộn mới chuyển sang chợ cau.
Chọn cau cũng lắm công phu
Để chuẩn bị cho phiên chợ này, anh Thâu và các lái cau khác tại huyện Thủy Nguyên thường có mặt tại chợ từ sớm, ai đến trước thì bày cau ra trước, bày ngay ngắn các buồng dưới nền đất, ai đến sau thì bày hàng sau. Đến khoảng 19h30 tối, các lái cau bày hàng xong, họ ngồi đợi ban quản lý chợ bật đèn để thực hiện giao dịch.
Khi ban quản lý chợ bật đèn điện là lúc hoạt động mua bán bắt đầu sôi động. Tuy vậy, dưới ánh đèn mờ mờ, người mua cau vẫn cần hỗ trợ của ánh sáng đèn pin để chọn cho mình những buồng cau đẹp.
Việc mua bán diễn chỉ trong đúng 1 giờ, dù còn hàng hay hết hàng, chợ đông người hay vắng khách, ban quản lý chợ cũng sẽ tắt đèn điện vào đúng 21h tối. Lúc này, chẳng ai bảo ai, người bán sẽ lặng lẽ thu dọn hàng, người mua lặng lẽ rời chợ.
Vừa chăm chú soi đèn pin vào các buồng cau, anh Thâu vừa giải thích, phải soi đèn pin kỹ để chọn được những buồng cau thật sự ưng ý, quả cau tròn đều, không bị lồi lõm, tránh những buồng cau bị “tổ rồng”, quả cau bị sâu bệnh, loang lổ. Nếu không lựa chọn kỹ càng, buông cau đó sẽ không thể dùng để làm lễ.
Ông Nguyễn Văn Minh, một thương lái ở Hà Nội có nhiều năm gắn bó với chợ cau Quảng Thanh chia sẻ, để chọn được buồng cau đẹp, người mua cần chọn những buồng có đầy tủ “râu tóc”, quả to, tròn, cành phải dẻo, quả phân bố đều. Nếu buồng cau thiếu một trong những tiêu chí trên, sẽ không thể đem bán cho người mua làm lễ.
Lý giải về việc tắt điện trước mỗi giờ chợ họp, ông Nguyễn Mạnh Tuấn (55 tuổi, trú xã Quảng Thanh) cho biết: “Lệ này đã có từ xưa, nhằm tránh trường hợp người đến đây tranh nhau mua, cũng để tạo sự công bằng, người đến trước cũng như người đến sau ai cũng có thể chọn cho mình những buồng cau ưng ý”.
Cũng chính vì lý do đó, kể từ khi đi vào hoạt động, khu chợ đầu mối này chưa xảy ra bất kỳ một tranh chấp, cãi vã hay mất an ninh trật tự. Giá phụ thu gồm cả chỗ ngồi, phí gửi xe là 20.000 đồng, ngoài ra không còn bất kỳ khoản thu nào khác.
Thăng trầm nghề lái cau
Vụ cau năm nay, giá cau tươi tăng cao kỷ lục khi thời điểm cuối tháng 4 khoảng 25.000 đồng/kg, sang tháng 6 đã tăng lên 50.000 – 55.000 đồng và hiện tại ở mức 80.000 đồng/kg.
“Đầu năm, giá cau tươi cũng tăng nhưng chỉ dao động ở mức 45.000 – 50.000 đồng/kg, sau bão số 3 giá cau tươi tăng dần lên 60.000 – 70.000 đồng/ kg và đỉnh điểm đang chạm mức 80.000 đồng/kg gồm cả cành, cuống. Giá cau tươi hiện tại cao kỷ lục trong 10 năm trở lại đây”, bà Thu, một người bán cau cho biết.
Anh Vũ (xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên), một trong những gắn bó với nghề cau từ khi còn rất trẻ chia sẻ, do nhiều yếu tố như bão số 3, Trung Quốc tăng lượng thu mua nên giá cau năm nay đắt đỏ. Nhưng đắt đầu vào cũng đắt đầu ra, cả người trồng lẫn người buôn đều có đồng ra đồng vào.
“Nhiều năm cau rẻ ê hề, gom xong không bán được, lỗ cả trăm triệu. Năm nọ bù năm kia, chuyến này bù chuyến khác, làm nghề không theo nghề thì biết làm gì bây giờ”, anh Vũ cho hay.
Tương tự, ông Minh chia sẻ: “Muốn theo được nghề này còn phụ thuộc vào cái duyên, đâu phải ai cứ muốn làm là được. Trước kia, tôi từng xuống Thủy Nguyên, bỏ mấy trăm triệu mua cả vườn cau, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân và thiếu kinh nghiệm nên bị thua lỗ nhiều. Đến khi biết đến chợ cau, tôi đã chuyển sang mua cau tại chợ để đảm bảo”.
Theo ông Minh, mua cau có hai hình thức: Mua cả vườn và mua lẻ tại chợ. Mua lẻ thế này gọi là “3 mo”, tức 3 thứ phụ thuộc và mỏng manh: Vốn không to, ngày công không cao, giá cau lên xuống phụ thuộc vào chủ thu mua. Mua tại vườn khi trúng đậm thì cũng lãi tới vài trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng/vụ, nhưng cũng có khi thua lỗ. Mua lẻ thì tỷ lệ thua lỗ rất ít, còn lãi cũng chỉ trên dưới triệu đồng/ngày, có ngày chỉ vài trăm nghìn đồng.
Anh Nguyễn Ngọc Thái, một thương lái đến từ Thái Nguyên cho biết, ngày nào anh cũng xuất phát từ Thái Nguyên lúc 3h chiều, mua cau xong về đến nhà cũng phải 1h đêm. Sáng hôm sau, anh lại đi bỏ lẻ ở từng điểm, đều đặn cả 30 ngày trong tháng, bất kể nắng mưa. “Giờ đường sá thuận lợi, việc đi lại cũng dễ dàng hơn. Dù các tỉnh như Phú Thọ, Vĩnh Phúc cũng trồng rất nhiều cau nhưng cau Thủy Nguyên được người mua ưa chuộng, chấp nhận mua với giá cao hơn”.
Tại chợ cau Quảng Thanh, giá cau phụ thuộc vào chất lượng và mục đích sử dụng của từng cá nhân hay thương lái. Giá cau vào thời điểm cao nhất trong mùa rơi vào khoảng 3 – 4 triệu đồng/buồng.
Theo anh Thâu, kể từ khi chợ cau về họp tại đây, anh đã chứng kiến một buồng cau cưới được bán với giá lên tới 8 triệu đồng. Buồng cau có khoảng 150 quả, hội tụ đầy đủ các tiêu chuẩn cao của một buồng cau đẹp. Còn hiện nay, mức giá trung bình khoảng 1 triệu đồng/buồng.