1. Vị trí địa lý
Tỉnh Hải Dương nằm ở Đông Bắc đồng bằng Bắc bộ, thuộc châu thổ sông Hồng, trong tọa độ địa lý từ 20 ° 41’10” đến 21 ° 14’20” vĩ độ Bắc, 106 ° 07’20” đến 106 ° 36’35” kinh độ Đông. Phía Bắc giáp tỉnh Bắc Giang, phía Đông Bắc giáp tỉnh Quảng Ninh, phía Đông và Đông Nam tiếp giáp thành phố Hải Phòng, phía Nam giáp tỉnh Thái Bình, phía Tây và Tây Nam giáp tỉnh Hưng Yên, phía Tây Bắc giáp tỉnh Bắc Ninh.
Cửa ngõ phía Tây thành phố Hải Dương
Với vị trí đó, Hải Dương đóng vai trò “cầu nối” giữa thủ đô Hà Nội (cách thành phố Hải Dương 57km về phía Tây) với thành phố cảng Hải Phòng (cách thành phố Hải Dương 45km về phía Đông) và thành phố du lịch Hạ Long (cách thành phố Hải Dương 93km về phía Đông Bắc). Trên địa bàn tỉnh có nhiều tuyến đường giao thông quan trọng của quốc gia, như quốc lộ 5, 10, 18, 37, 38. Hệ thống đường thủy bao gồm hệ thống sông Thái Bình, sông Luộc, các trục sông Bắc Hưng Hải và An Kim Hải. Vị trí địa lý kinh tế thuận lợi cùng hệ thống giao thông đường bộ, thuỷ, sắt khá hoàn chỉnh, Hải Dương có nhiều lợi thế trong giao lưu, trao đổi thương mại với các điểm kinh tế trọng điểm phía Bắc (thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh) cũng như các tỉnh lân cận.
2. Địa hình, khí hậu
Diện tích tự nhiên của Hải Dương là 1.668,2 k m² (đứng thứ 51/63 tỉnh thành cả nước), địa hình nghiêng, thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam theo hướng nghiêng của đồng bằng Bắc Bộ. Với đặc điểm này, Hải Dương được chia làm hai kiểu địa hình, là đồng bằng tích tụ và đồi núi thấp.
Địa hình đồi núi thấp phân bố chủ yếu ở phía Bắc, Đông Bắc và chiếm khoảng 15,9% diện tích tự nhiên của tỉnh, bao gồm 13 xã thuộc thị xã Chí Linh và 18 xã thuộc huyện Kinh Môn. Đây là vùng tập trung nhiều chủng loại khoáng sản, cung cấp nguồn nguyên liệu cho công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và phù hợp với trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ và cây công nghiệp. Địa hình đồng bằng được cấu thành bởi các trầm tích Đệ tứ có nguồn gốc biển và sông hồ, chủ yếu do đất phù sa sông Thái Bình bồi đắp, chiếm khoảng 84% diện tích tự nhiên, là địa bàn sinh sống chủ yếu của nhân dân trong tỉnh, thích hợp phát triển các loại cây trồng, đặc biệt là cây ăn quả như vải, nhãn, cam, chuối.
Đồi vải trên địa bàn thị xã Chí Linh
Hải Dương nằm trong vùng khí hậu đồng bằng Bắc Bộ, có khí hậu nhiệt đới gió mùa, hàng năm có 2 mùa rất rõ rệt với mùa đông lạnh, ít mưa và mùa hè nóng ấm, mưa nhiều. Lượng mưa trung bình trong năm khoảng 1.700mm. Nhiệt độ không khí trung bình các tháng trong năm khoảng 23 – 24 ° C, tổng tích ôn cả năm khoảng 8.500 ° C. Số giờ nắng khoảng 1.350giờ/năm, tổng bức xạ vượt quá 100KcaL/cm ² /năm. Độ ẩm không khí khá cao, dao động từ 80% đến 90%. Điều kiện khí hậu đó rất thích hợp cho trồng lúa, cây thực phẩm, cây ăn quả – là nguồn nguyên liệu quan trọng phát triển công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm.
3. Tài nguyên đất
Tổng diện tích đất là 165.477 ha, trong đó đất nông nghiệp 106.577 ha, đất phi nông nghiệp 58.165 ha, đất chưa sử dụng 735 ha. Để phát triển công nghiệp, Hải Dương cần huy động và sử dụng lượng lớn nguồn lực đất đai.
4. Tài nguyên nước
Tỉnh Hải Dương có mạng lưới sông ngòi khá dày đặc, với tổng số 14 sông lớn có chiều dài khoảng 500 km và trên 2.000 km sông nhỏ chảy theo hướng chính là Tây Bắc – Đông Nam, lớn nhất là sông Thái Bình qua địa phận tỉnh với chiều dài 64 km (điểm đầu từ phường Phả Lại, thị xã Chí Linh và điểm cuối tại xã Vĩnh Lập, huyện Thanh Hà) cùng với các phân lưu sông Kinh Thầy, sông Kinh Môn, sông Lai Vu, sông Gùa, sông Hàn Mẫu, sông Mạo Khê… và các sông thuộc hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải. Hệ thống các sông chính có dòng chảy tự nhiên, phụ thuộc vào mùa mưa, lũ trên lưu vực và sự điều tiết của các hồ chứa ở thượng nguồn sông Thái Bình, tập trung chủ yếu ở các huyện phía Đông Nam của tỉnh.
Sông Thái Bình qua địa phận Hải Dương
Trên địa bàn tỉnh còn có nhiều hồ, ao tự nhiên và nhân tạo, là nơi trữ nước và vận chuyển nước trên bề mặt, góp phần nuôi dưỡng động, thực vật và điều hòa khí hậu trong vùng.
5. Tài nguyên khoáng sản
Khoáng sản tỉnh Hải Dương khá đa dạng, có giá trị nhất là loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế tỉnh.
Qua nghiên cứu, điều tra, tìm kiếm thăm dò khoáng sản trong phạm vi tỉnh đã phát hiện được 24 loại hình khoáng sản bao gồm: than đá, sắt, đồng, thủy ngân, bauxit, phosphorit, than bùn, sét chịu lửa, dolomit, keratophyr, đá vôi xi măng, sét silic phụ gia xi măng, sét gạch ngói, cát xây dựng, đá vôi xây dựng, cuội kết thạch anh, thạch anh tinh thể, cuội sỏi, quarzit. Trong đó khoáng sản trọng tâm là sét gốm sứ và vật liệu xây dựng. Đã xác định được 91 mỏ và điểm quặng được chia làm 4 nhóm: Nhóm nhiên liệu; Nhóm khoáng sản kim loại; Nhóm khoáng sản không kim loại và khoáng chất công nghiệp; Nhóm nước nóng – khoáng. Trong số các khoáng sản nêu trên, một số đã được khai thác sử dụng với qui mô lớn như sét chịu lửa, đá vôi xi măng, sét xi măng, bauxit, số còn lại cần tiếp tục nghiên cứu khai thác để đáp ứng yêu cầu phát triển một số ngành công nghiệp trong tỉnh.
Mỏ đá thuộc huyện Kinh Môn
Với những đặc điểm tự nhiên trên, Hải Dương đã hội tụ những thuận lợi cơ bản cho phát triển kinh tế – xã hội, đó cũng là điều kiện tiền đề quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.