Năm nay, Hải Dương có 135 sản phẩm đề nghị công nhận xếp hạng sản phẩm OCOP, gồm 117 sản phẩm đánh giá, phân hạng lần đầu và 18 sản phẩm đánh giá lại. Theo quy định mới, từ năm 2023 việc đánh giá, phân hạng sẽ được phân cấp thực hiện. Sau khi cấp huyện đánh giá đã lựa chọn 35 sản phẩm của 15 chủ thể ở 7 huyện, thành phố, thị xã để xem xét đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 4 sao.
Năm nay, huyện Ninh Giang là địa phương có nhiều sản phẩm đề nghị công nhận OCOP 4 sao nhất với 15 sản phẩm, tiếp đến là TP Hải Dương 10 sản phẩm, Nam Sách 4 sản phẩm, Tứ Kỳ 3 sản phẩm; huyện Gia Lộc, thị xã Kinh Môn và TP Chí Linh mỗi nơi 1 sản phẩm. 5 huyện không có sản phẩm đề nghị công nhận OCOP 4 sao là Bình Giang, Cẩm Giàng, Thanh Miện, Thanh Hà, Kim Thành.
Qua thẩm định hồ sơ, Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh nhất trí đề xuất công nhận 34 sản phẩm đạt OCOP 4 sao. Riêng sản phẩm múa rối nước Hồng Phong (Ninh Giang) thiếu tiêu chí về sở hữu trí tuệ nên chưa được xem xét trong năm nay. Đây cũng là năm đầu tiên, Hải Dương có 3 sản phẩm OCOP thuộc nhóm văn hóa, du lịch. Đó là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đền Tranh, đình Trịnh Xuyên và pháo đất Nghĩa An (đều ở huyện Ninh Giang).
PV