Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe.
Trong đó, Bộ Công an đề xuất hạ thấp mức phạt tiền so với Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP) đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở (mức vi phạm tối thiểu), để phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.
Giảm mức phạt tiền nhưng xử lý nghiêm hơn nếu gây tai nạn
Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội – cho rằng, đề xuất giảm mức phạt tiền với mức vi phạm nồng độ cồn thấp nhất của Bộ Công an là hợp lý, phù hợp với thực tiễn cuộc sống của người dân hiện nay.
Ông Hòa phân tích, với mức phạt cũ ở mức vi phạm tối thiểu, đặc biệt là với xe máy, số tiền 2-3 triệu đồng là cao so với thu nhập của nhiều người dân. Nhiều người vi phạm chấp nhận bỏ phương tiện do giá trị thực tế của chiếc xe thấp hơn mức tiền họ phải đóng phạt.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ).
“Chỉ nhìn những bãi tạm giữ xe của công an xã, công an phường, chứ chưa đề cập đến công an cấp quận đã thấy đầy xe và hầu như là đều bị bỏ lại”, ông Hòa nói.
Ông còn cho rằng đề xuất trên mang tính nhân văn, với những trường hợp ở vùng nông thôn, vùng núi. Vị đại biểu nêu ví dụ, ở vùng quê, nơi có nhiều người dân tộc ít hiểu biết, kết hợp với phong tục tập quán, đám tiệc thường có rượu, họ có thể dễ vi phạm nồng độ cồn nhưng ở mức “chút đỉnh”.
Trong khi đó, ở vùng cao, nông thôn lại không có các phương tiện công cộng, xe dịch vụ, buộc người dân phải đi xe máy.
Tuy nhiên, ông Hòa đưa ra kiến nghị, người vi phạm nồng độ cồn dù ở mức thấp nhất, một khi đã gây tai nạn giao thông, cần phải bị xử lý nghiêm hơn.
Đồng quan điểm trên, luật sư Nguyễn Văn Chiến – Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội – nhận định đề xuất mới của Bộ Công an có những ưu điểm và sẽ nhận được đa số sự đồng tình ủng hộ từ người dân.
Theo luật sư Chiến, việc giảm mức phạt phù hợp hơn với phong tục tập quán Việt Nam, đặc biệt là ở vùng núi, với đồng bào dân tộc, phù hợp với điều kiện khả năng kinh tế của đại đa số người dân lao động.
Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ).
Mặt khác, theo ông Chiến, việc Bộ Công an chỉ đề xuất giảm vẫn khiến người dân hình thành nét văn hóa khi tham gia giao thông là không uống rượu bia.
“Bộ Công an đề xuất giảm mức xử phạt và giữ nguyên quy định nghiêm cấm sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông nhằm tạo ý thức, thói quen tuân thủ pháp luật, cũng như khâu tổ chức thực hiện được minh bạch hơn, dễ dàng hơn và tránh phát sinh tiêu cực”, ông Chiến nói.
Cấm tuyệt đối nồng độ cồn tạo sự chuyển biến tích cực
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội – nhận định đề xuất giảm nhẹ mức xử phạt không gây mâu thuẫn với quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn trước đó.
Theo bà Nga, việc giảm mức phạt tiền khi vi phạm cồn ở mức tối thiểu là hợp lý, bởi mục đích cuối cùng của việc xử phạt là hướng đến sự an toàn khi tham gia giao thông của người dân, cũng như đảm bảo tài sản, tính mạng của họ.
Bên cạnh đó, bà Nga cũng nhắc đến quy định trừ điểm Giấy phép lái xe (GPLX) và cho rằng việc kết hợp vừa xử phạt, vừa trừ điểm GPLX thậm chí còn nghiêm khắc, có tính răn đe hơn so với xử phạt mức tiền cao và tước GPLX.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ).
“Đã có những quy định cụ thể về những lỗi và số điểm GPLX bị trừ tương ứng. Nếu trong 12 tháng bị trừ hết 12 điểm, bắt buộc phải tham gia sát hạch lại mới được phục hồi lại điểm và GPLX có hiệu lực lại. Điều này buộc người tham gia giao thông khi đã vi phạm, bị trừ điểm, phải có ý thức chấp hành thật tốt để vừa không bị trừ hết điểm, vừa được khôi phục lại đủ 12 điểm”, bà Nga phân tích.
Nhìn lại khoảng thời gian áp dụng quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi tham gia giao thông, bà Nga nhận thấy đa số người dân đã hình thành một thói quen là đã tham gia giao thông là không sử dụng đồ uống có cồn.
“Sự chuyển biến tích cực” là đánh giá của bà Nga. Theo nữ đại biểu này, hành vi lối sống và nhận thức người dân đã có thay đổi, cụ thể nhất là không còn tình trạng “ép nhau uống rượu bằng được”.
“Chỉ cần đưa ra lý do là sẽ điều khiển phương tiện tham gia giao thông là mọi người sẽ rất thông cảm và không có chuyện ép uống nữa”, bà Nga nói.
Chia sẻ thêm về đồ uống có cồn, bà cho rằng lạm dụng rượu, bia là nguyên nhân hàng đầu gây ra những bệnh không lây nhiễm. Việc nghiêm khắc trong quy định về nồng độ cồn vừa giúp giảm thiểu tai nạn giao thông, đồng thời cũng có tác động tích cực tình hình sức khỏe của người dân, đặc biệt là sức khỏe giống nòi.
“Thay đổi nhận thức của người dân để hướng tới một lối sống văn minh hơn trong xã hội, qua đó nhằm đảm bảo được sức khỏe cho các cá nhân trong cộng đồng”, bà Nga nói và nhận định đây là ý nghĩa sâu xa.
Áp dụng hình thức xử phạt phải đảm bảo tính khả thi
Còn luật sư, tiến sĩ Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp) cho rằng phương án hạ mức phạt ở ngưỡng vi phạm nồng độ cồn tối thiểu là hợp lý.
“Căn cứ vào thực tiễn quá trình xử lý vi phạm theo Nghị định 100 từ năm 2019 đến nay, căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế xã hội, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, việc giảm mức xử phạt vi phạm hành chính đối với một số trường hợp vi phạm nồng độ cồn ở mức thấp như vậy là cần thiết, thể hiện sự nhân văn và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội”, ông Cường nói.
Ông Cường phân tích, nếu tổng kết thực tiễn về quá trình xử phạt vi phạm hành chính về nồng độ cồn, cho thấy những người vi phạm nồng độ cồn ở mức thấp thường là những người lao động nghèo, mức xử phạt số tiền 2-3 triệu đồng với họ có thể bằng cả nửa tháng lương…
Luật sư Đặng Văn Cường (Ảnh: Hải Nam).
“Xử phạt vi phạm hành chính với họ như vậy sẽ ảnh hưởng đến đời sống và gây ra tâm lý không tốt cho người bị phạt, trong khi đó, nếu áp dụng giải pháp khác là tuyên truyền giáo dục có lẽ hiệu quả sẽ cao hơn”, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp đưa ra quan điểm.
Luật sư Cường cho rằng việc xử phạt vi phạm hành chính trước tiên phải căn cứ vào luật xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, hiện nay trong xử phạt vi phạm hành chính có 5 hình thức xử phạt, gồm: Cảnh cáo; phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; trục xuất.
“Bởi vậy, cần cân nhắc áp dụng hình thức xử phạt nào đối với hành vi nào cho phù hợp, đảm bảo tính khả thi và đảm bảo được hiệu quả trong công tác quản lý hành chính là rất cần thiết.
Việc áp dụng hình thức xử phạt như thế nào, mức xử phạt đến đâu cần căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế xã hội, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông và đảm bảo hiệu lực hiệu quả của việc áp dụng pháp luật, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với đa số nguyện vọng của nhân dân”, luật sư Đặng Văn Cường nói.
Đối với người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự ô tô, xe chở người 4 bánh có gắn động cơ, xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ điều khiển xe trên đường, Bộ Công an đề xuất mức phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng, thay vì mức phạt 6-8 triệu đồng hiện hành.
Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy, Bộ Công an đề xuất phạt 400.000-600.000 đồng, thay vì phạt 2-3 triệu đồng như quy định hiện hành.
Với xe máy chuyên dùng, Bộ Công an đề xuất phạt 800.000-1 triệu đồng, thay vì mức phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng như quy định hiện hành.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/dbqh-de-xuat-giam-tien-phat-vi-pham-nong-do-con-o-muc-toi-thieu-la-hop-ly-20240803171603259.htm