Lực bán tăng vọt ngay đầu phiên chiều. Chỉ số của sàn HoSE mất hơn 40 điểm ngay khi mở cửa, với hàng loạt cổ phiếu bị ép giảm thêm 2-3%.
Lực cầu đỡ yếu, trong khi bên bán dùng lệnh thị trường (MP – lệnh bán bằng mọi giá) khiến nhiều mã giảm sâu. Thị trường hồi nhẹ trở lại rồi tiếp tục bị nhấn chìm. Trong “rổ” VN30, các mã HDB, VRE, SSB nới đà giảm lên hơn 5%, trong khi GVR, CTG, TCB, VHM mất trên 4%. Ở nhóm vốn hóa trung bình, các mã bất động sản, chứng khoán đứng đầu đà giảm, nhiều mã lộ giá sàn.
Sau 14h, thị trường rơi thêm một nhịp. VN-Index nới đà giảm lên hơn 50 điểm khi áp lực bán tháo tăng vọt. Nhiều cổ phiếu từ mức giảm 3-4% bị ép về giá sàn, ở tình trạng “trắng bảng bên mua”. Tương tự, đầu phiên chiều, nhịp giảm sau đó tiếp tục diễn ra với gia tốc nhanh khi nhà nhà đầu tư dùng lệnh thị trường (MP) để bán cổ phiếu bằng mọi giá.
Chốt phiên, VN-Index mất hơn 48 điểm (3,92%) xuống 1.188 điểm. Mức giảm trong phiên hôm nay là cao nhất trong hơn 3 tháng, sau phiên giảm gần 60 điểm ngày 15/4. VN30-Index hạ gần 49 điểm (3,82%) còn 1.232,11 điểm.
Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index cùng lùi sâu. Cuối phiên, sàn HoSE có hơn 400 cổ phiếu giảm, so với 24 mã giữ sắc xanh. Trong nhóm VN30, toàn bộ 30 mã bluechip đóng cửa dưới tham chiếu. Sắc đỏ bao trùm bảng điện với 3 mã vốn hóa lớn mất trên 6%, 5 mã giảm 5%. Ở nhóm vốn hóa trung bình, tình trạng “trắng bảng bên mua” lan rộng, đặc biệt là nhóm bất động sản.
Trước đó, chứng khoán mở cửa đầu tuần sáng nay trong sắc đỏ. VN-Index mất gần 20 điểm sau ATO, duy trì vùng giá thấp trong 30 phút sau đó. Áp lực bán ra tăng mạnh ép hầu hết cổ phiếu lùi sâu, trong khi lực cầu bắt đáy thận trọng chỉ chặn ở vùng giá thấp. Thị trường có nhịp hồi nhẹ trở lại vào giữa phiên sáng, nhưng lại quay đầu giảm ngay sau đó. Trong buổi sáng, chỉ số của sàn HoSE mất hơn 24 điểm (1,97%), xuống 1.212 điểm.
Áp lực giảm điểm của thị trường Việt Nam sáng nay cùng chiều với quốc tế. Tài chính toàn cầu đang biến động mạnh trước làn sóng bán tháo cổ phiếu dữ dội, khi các nhà đầu tư lo ngại về khả năng xảy ra suy thoái kinh tế tại Mỹ.
Tại thị trường châu Á, chỉ số Topix và Nikkei của thị trường Nhật Bản giảm gần 6% ngay đầu phiên. Chỉ số Kosdaq và Kospi của Hàn Quốc cũng biến động tương tự. Tại Mỹ, hợp đồng tương lai các chỉ số chính cũng đang chìm trong sắc đỏ.
Làn sóng bán tháo lan rộng trên thị trường tài chính toàn cầu diễn ra sau khi báo cáo việc làm tháng 7 của Mỹ gây sốc với số liệu yếu hơn nhiều so với dự kiến, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế.
Trước những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang chậm lại, các nhà giao dịch đang đặt cược mạnh vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm cắt giảm lãi suất. Các chuyên gia kinh tế tại những tổ chức tài chính hàng đầu như Citigroup và JPMorgan Chase thậm chí dự đoán Fed có thể hạ tới 0,5 điểm phần trăm tại cuộc họp tháng 9 và tháng 11.
T.H (theo VnExpress)
Nguồn: https://baohaiduong.vn/chung-khoan-thung-moc-1-200-diem-389459.html