Dễ trồng, giá bán ổn định
Trước đây, khu dân cư Trại Gạo, phường Bến Tắm chỉ có một số gia đình trồng hành nhỏ lẻ, bà con cũng tự tìm đầu ra nên hiệu quả kinh tế không cao. Tuy nhiên, khoảng 4 năm trở lại đây, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây hành mang lại, nhiều người chuyển sang trồng hành. Do địa phương có đập Bãi Lầy, chủ động được nguồn nước nên rất thuận lợi trong trồng cây hành. Toàn khu dân cư hiện có khoảng 40 mẫu ruộng được phủ kín bằng cây hành củ. Sau 3 tháng chăm sóc, nông dân có thể thu hoạch với giá bán tương đối ổn định.
Vụ đông năm 2023, năng suất hành đạt 1-1,2 tấn/sào, giá bán từ 8.000 – 10.000 đồng/kg tùy thời điểm, có lúc hành củ 14.000-15.000 đồng/kg. Với giá bán thuận lợi, trung bình mỗi hộ thu lãi từ 20-30 triệu đồng/vụ, thậm chí có hộ thu lãi lên tới 100 triệu đồng/vụ. “Cây hành đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt nên bà con trong thôn chuyển sang trồng nhiều. Vì trồng nhiều nên thương lái tự đến tận nơi thu mua với giá cao, bà con không phải lo đầu ra”, ông Mạc Văn Cường, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu dân cư Trại Gạo cho biết.
Phường Hoàng Tân là địa phương có diện tích trồng hành lớn ở Chí Linh. Vụ đông năm nay, toàn phường có 60 ha trồng hành ở các khu dân cư Bến Tắm, Đại Bộ, Đồng Tân. Có thổ nhưỡng phù hợp nên cây hành trở thành cây chủ lực vụ đông của người dân nơi đây. Người dân Hoàng Tân tích cực ứng dụng kỹ thuật nên cây hành cho năng suất tốt. Bình thường mỗi vụ hành kéo dài từ 3-3,5 tháng sẽ cho thu hoạch 1 lứa, nhưng nhiều hộ ở Hoàng Tân do chăm sóc tốt nên thu hoạch 2 lứa/vụ, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế.
Ở Hoàng Tân đã hình thành những cánh đồng chuyên canh cây hành. Năng suất trồng hành vụ đông năm 2023 của phường Hoàng Tân đạt 6-8 tạ/sào, trừ chi phí người nông dân thu lãi từ 6-7 triệu đồng/sào. Năm 2022, cây hành phường Hoàng Tân được Hội đồng Đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP TP Chí Linh công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Giải pháp nâng cao giá trị
Toàn TP Chí Linh hiện có gần 290 ha trồng hành củ tập trung ở các địa phương: Bắc An, Hoàng Tân, Bến Tắm, Văn Đức, Lê Lợi, Hoàng Hoa Thám… Trồng cây hành không quá tốn công so với nhiều cây trồng khác, ít sâu bệnh, chi phí đầu tư không cao nên được nhiều địa phương lựa chọn. Khoảng vài năm trở lại đây, cây hành được giá, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa, lạc và một số cây trồng khác. Cây hành có ưu điểm vừa có thể bán hành lá, vừa có thể sử dụng củ làm gia vị nên người dân có thể lựa chọn nhiều cách canh tác như: tỉa hành tươi hoặc thu hoạch củ vào cuối vụ.
Với phương châm ‘‘hướng vào giá trị làm mục tiêu sản xuất’’, TP Chí Linh tiếp tục khuyến khích các địa phương mở rộng diện tích trồng cây vụ đông, trong đó có cây hành.
Hành của Hoàng Tân đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao nhưng việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng vẫn còn hạn chế. “Chúng tôi mong muốn có cơ sở chế biến cây hành để mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, khó khăn về nguồn vốn, điều kiện nên mới chỉ xuất bán cây hành thô. Mong rằng trên địa bàn phường có cơ sở thu mua, chế biến hành sẽ giúp việc trồng, sản xuất hành được khép kín, mang lại giá trị cao hơn”, bà Đỗ Thị Đoài, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp phường Hoàng Tân chia sẻ.
Để nâng cao hơn nữa giá trị kinh tế của cây hành, Chí Linh cần tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng, mẫu mã, đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…
THANH HOA
Nguồn: https://baohaiduong.vn/chi-linh-phat-trien-cay-hanh-vu-dong-398461.html