Theo số liệu tổng hợp từ Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hải Dương, kết thúc tháng 2/2024, tổng nguồn vốn huy động toàn ngành ngân hàng ước đạt 194.306 tỷ đồng, giảm 0,7% so với cuối năm 2023. Cùng thời điểm, tổng dư nợ tín dụng 131.600 tỷ đồng, giảm 1,8% so với cuối năm 2023.
Như vậy, chênh lệch giữa nguồn tiền huy động và dư nợ toàn ngành ngân hàng ở Hải Dương tại thời điểm kết thúc tháng 2/2024 ở mức 62.706 tỷ đồng, tăng gần 500 tỷ đồng so với mức chênh lệch giữa huy động-dư nợ cuối tháng 1/2024, tăng gần 1.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023.
Thông thường, cuối năm âm lịch (tức tháng 1/2024 vừa qua) là thời điểm người dân, doanh nghiệp thu về dòng tiền lợi nhuận từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; cùng với đó, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp chưa cao. Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến dư nợ tín dụng 2 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng âm. Ngoài ra, một số kênh đầu tư, nhất là bất động sản chưa hồi phục sức hấp dẫn đã khiến dòng tiền nhàn rỗi tiếp tục “chảy” vào ngân hàng, dù lãi suất huy động hiện ở mức thấp. Do đó nới rộng chênh lệch giữa huy động và dư nợ ngân hàng.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ ngày 5/3 đã có công điện gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong đó yêu cầu ngành ngân hàng thực hiện ngay các giải pháp điều hành để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay gắn với tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; tiếp tục hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng truyền thống như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo…
HÀ KIÊN