Đưa hoạt động chất vấn trở thành điểm nhấn quan trọng của Kỳ họp
Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, hoạt động chất vấn tại Kỳ họp này tiếp tục được thực hiện theo đúng quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn thuộc trách nhiệm của 4 Bộ trưởng, Trưởng ngành gồm: Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Chính phủ đã phân công Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà sẽ thay mặt Chính phủ làm rõ các vấn đề có liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội vào cuối phiên chất vấn. Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn vào cuối Kỳ họp. Đây là cơ sở để các cơ quan triển khai; cũng là cơ sở để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội giám sát. Phiên chất vấn tiếp tục tiến hành theo cách thức “hỏi nhanh, đáp gọn”.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tin tưởng rằng, với trí tuệ, tinh thần trách nhiệm cao, kinh nghiệm thực tiễn công tác, trình độ chuyên môn sâu và tình hình thực tế ở các địa phương, cơ sở cùng với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội, phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra sôi nổi, trên tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao, có nhiều thông tin phản ánh thực trạng tình hình, nhiều đề xuất, kiến nghị, hiến kế cho Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành trong công tác chỉ đạo, điều hành, khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong thực tế; tiếp tục đưa hoạt động chất vấn ngày càng trở thành điểm nhấn quan trọng của Kỳ họp, đáp ứng sự mong đợi của cử tri, nhân dân cả nước và yêu cầu của các đại biểu Quốc hội.
Đã rõ các giải pháp trong lĩnh vực tài nguyên môi trường
Sáng và đầu giờ chiều 4/6, dưới sự chủ trì, điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Phiên chất vấn đã nhận được 49 ý kiến đại biểu chất vấn, tranh luận (trong đó có 39 ý kiến chất vấn và 10 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội tranh luận). Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm cao, sát với tình hình thực tiễn, nội dung nhóm vấn đề chất vấn.
Qua chất vấn, các đại biểu Quốc hội cho rằng, thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường đã đạt được những kết quả tích cực. Việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển đã đóng góp hiệu quả trong phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững của đất nước. Chính sách pháp luật về an ninh nguồn nước được cơ bản hoàn thiện; chủ động, có kế hoạch, phương án xử lý, ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất. Quản lý và hoạt động của ngành Khoáng sản, công nghiệp khai khoáng đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo nhiều cơ hội việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội hội cho rằng, vẫn còn có những tồn tại, hạn chế như tài nguyên biển chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả. Các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thủy sản bị suy giảm. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất gia tăng. Chính sách, pháp luật về khoáng sản chưa đầy đủ, còn bất cập. Công tác quy hoạch, điều tra, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản còn thiếu đồng bộ, chưa gắn kết.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã trả lời đầy đủ các vấn đề còn bất cập, hạn chế, có giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Một trong ba nhóm vấn đề lớn được các đại biểu quan tâm chất vấn tại phiên họp lần này là giải pháp nghiên cứu, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng và tài nguyên, khoáng sản quý, hiếm.
Trả lời chất vấn về công tác khai khoáng, sử dụng và quản lý đất hiếm trong thời gian qua, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, hiện nay, Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản về chiến lược quan trọng và có trữ lượng tương đối lớn: “Ví dụ như bô xít khoảng 5,8 tỷ tấn, titan khoảng hơn 600 triệu tấn. Về đất hiếm, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã đánh giá trữ lượng được 2,7 triệu tấn, trong đó đánh giá tài nguyên đất hiếm là khoảng 18 triệu tấn, tức là hơn 20,7 triệu tấn”.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh, đối với việc khai thác, chế biến các loại khoáng sản quan trọng thiết yếu, đặc biệt là đất hiếm, phải tính đến việc chế biến sâu, chế biến tinh tại Việt Nam và phục vụ cho công nghiệp của Việt Nam.
Cũng tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã tham gia trả lời và làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, thường xuyên, liên tục. Việc Quốc hội lựa chọn chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên, môi trường đã đáp ứng sự quan tâm của cử tri và nhân dân cả nước.
Tăng cường quản lý Nhà nước với thương mại điện tử
Tiếp sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, chiều 4/6, Quốc hội bước sang phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương.
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực công thương, gồm: Công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử; giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy việc thực hiện các FTA và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường. Bộ trưởng cũng trả lời về việc thực hiện chính sách, pháp luật phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, nhất là trong phục vụ chế biến nông, lâm, thủy sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, sản xuất công nghiệp đã vượt qua giai đoạn khó khăn sau đại dịch, từng bước phục hồi, phát triển, có sự bứt phá từ quý III năm trước đến nay, duy trì vai trò, động lực tăng trưởng của nền kinh tế đất nước. Thương mại trong nước tăng trưởng khá mạnh, vượt mục tiêu đề ra và là trụ đỡ cho nền kinh tế trong bối cảnh chung còn nhiều khó khăn, thách thức. Hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định, xuất nhập khẩu 8 năm liền đạt được kỷ lục mới về kim ngạch và thặng dư thương mại, đặc biệt năm 2023 đạt mức xuất siêu 28 tỷ USD, cao gấp 3 lần so với năm trước.
Năm tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trên 16% so với cùng kỳ năm 2023, thặng dư thương mại đạt trên 8,1 tỷ USD, góp phần nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, trong một số lĩnh vực như: thương mại điện tử phát triển rất mạnh với tốc độ tăng bình quân từ 20 – 25%, thuộc nhóm 5 nước dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng. Quy mô thương mại điện tử đạt trên 20 tỷ USD/năm, chiếm 8% tổng doanh thu hàng hóa tiêu dùng cả nước.
Trong phần trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Công thương đã tập trung làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm về: thương mại điện tử; giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đẩy mạnh xuất khẩu, đầu tư hàng hóa trong nước; chính sách ưu đãi đầu tư phát triển công nghiệp…
Về công tác quản lý hoạt động thương mại điện tử đang nở rộ hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, thương mại điện tử ở Việt Nam đang phải đối mặt với 3 thách thức lớn đó là: người tiêu dùng phải đối mặt với mất an toàn dữ liệu cá nhân; hàng giả, hàng kém chất lượng, tính an toàn thấp chưa được kiểm soát chặt chẽ đã và đang bao vây, sẵn sàng đổ bộ vào nước ta, ảnh hưởng tới cả doanh nghiệp sản xuất cũng như người tiêu dùng; thách thức thứ ba là thất thu thuế.
Tham gia giải trình làm rõ thêm vấn đề chống thất thu thuế trong giao dịch điện tử, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, qua kết quả thực hiện thu thuế thương mại điện tử, năm 2022 đã thu được 83.000 tỷ đồng và năm 2023 thu được 97.000 tỷ đồng. Năm tháng đầu năm 2024 đã thu được 50.000 tỷ đồng và đã có 96 nhà cung cấp nước ngoài, các tập đoàn công nghệ nước ngoài như Facebook, Google, Microsoft, TikTok… đã thực hiện đăng ký và nộp thuế trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính về sàn thương mại xuyên biên giới; hiện nay đã nộp được 15,6 nghìn tỷ đồng thuế thương mại điện tử…
T.H (theo báo Tin tức)