Đi hành hương vào dịp đầu năm đã trở thành nét văn hóa truyền thống của nhiều người Việt. Việc kết hợp giữa du lịch tham quan với yếu tố tâm linh để thiết kế các tour du lịch hành hương ngày càng được nhiều du khách quan tâm. Tỉnh Hà Nam có nhiều chùa chiền, nhiều lễ hội, vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh vừa có cảnh đẹp, trở thành điểm đến trong mùa du lịch hành hương năm nay, thu hút đông du khách khắp nơi về chiêm bái.
Với tâm lý mong muốn một năm mới bình an, sức khỏe, cầu tài, cầu lộc đầu xuân, các điểm đến tâm linh gắn với danh lam thắng cảnh luôn có sức hấp dẫn du khách trải nghiệm lễ hội đầu năm như Lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn, Lễ hội Xuân chùa Tam Chúc, Lễ hội phát ấn Đền Trần Thương, chùa Bà Đanh (Kim Bảng); chùa Địa Tạng Phi Lai, chùa Phật Quang (Thanh Liêm)… Những lễ hội này không chỉ là nét đẹp văn hóa tâm linh mà còn chứa đựng những nét văn hóa dân gian trong các lễ hội truyền thống, đồng thời kích cầu du lịch của địa phương.
Lần đầu tiên được trải nghiệm Lễ hội hội Xuân chùa Tam Chúc, chị Thu Thủy, du khách đến từ Hà Nội thấy choáng ngợp trước vẻ đẹp của chùa Tam Chúc, vừa có núi vừa có hồ để du khách trải nghiệm, ngắm cảnh. Chị cho biết lần sau sẽ đưa cả gia đình quay trở lại để được hòa trong không gian văn hóa của danh thắng chùa Tam Chúc nói riêng và các điểm du lịch tâm linh tại Hà Nam nói chung.
Còn ông Trần Nguyên Sơn (du khách TP Hồ Chí Minh) rất vui mừng khi dự lễ hội phát lương Đức Thánh Trần. Ông chia sẻ, hằng năm du bận nhiều công việc nhưng cứ đến dịp Lễ hội Đức Thánh Trần thì cố gắng thu xếp về tham dự với mong muốn cầu cho cả gia đình một năm bình an, sung túc. Ông Sơn cũng đặc biệt là ấn tượng với không khí của lễ hội lâu năm tại địa phương này.
Đặc biệt, năm 2023 tỉnh Hà Nam vinh dự được Giải thưởng Du lịch Thế giới tôn vinh là “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới”, nhiều khu điểm du lịch đã trở nên quen thuộc, được nhiều người biết đến. Việc tổ chức dịch vụ phục vụ du lịch tâm linh, thỏa mãn nhu cầu hành hương của du khách trên các tuyến hành trình, khu, điểm du lịch thời gian qua đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho cư dân địa phương. Qua đó, thiết thực bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhiều địa phương.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đánh giá, tiềm năng du lịch của Hà Nam đang được phát huy và trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn riêng có; đặc biệt, Khu du lịch quốc gia Tam Chúc là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách. Với những nỗ lực của Đảng bộ chính quyền Hà Nam, sự phối hợp, đồng hành của các doanh nghiệp du lịch và người dân địa phương thì các cơ sở du lịch, các điểm đến của tỉnh Hà Nam ngày càng hoàn thiện, được đầu tư trở thành điểm nhấn, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Để ngành du lịch phát triển đột phá, trở thành ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh Hà Nam, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hà Nam Mai Thành Chung cho biết, thời gian tới, ngành sẽ chủ động phối hợp với các ngành, địa phương tham mưu với UBND tỉnh thực hiện đồng bộ các quy hoạch phát triển các công trình di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề có giá trị, làm cơ sở thu hút đầu tư phát triển du lịch theo định hướng gắn kết thành các chuỗi du lịch – dịch vụ nội tỉnh, liên tỉnh. Ngành cũng mở rộng các hoạt động tư vấn hỗ trợ đầu tư, xây dựng các danh mục kêu gọi dự án đầu tư; đẩy mạnh liên kết, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến để thu hút nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
T.H (theo báo Tin tức)