Tối 2/7, tổ tuần tra Đội Cảnh sát giao thông Công an TP Thủ Đức lập chốt tại giao lộ Lã Xuân Oai – D2, phường Tăng Nhơn Phú A. Kiểm tra ngẫu nhiên, cảnh sát phát hiện thanh niên 30 tuổi lái xe máy có nồng độ cồn 0,206 mg/l khí thở. Với lỗi này, người vi phạm bị phạt 7 triệu đồng, tước bằng lái 11 tháng.
Được yêu cầu xuất trình bằng lái, đăng ký xe qua VNeID, thanh niên vi phạm lúng túng vì chưa từng sử dụng. Anh cho biết khi làm căn cước công dân đăng ký số điện thoại khác với số đang dùng nên không thể làm định danh mức độ 2, từ đó không thể tích hợp bằng lái, đăng ký xe qua ứng dụng.
Một thanh niên khác cũng không xuất trình được bằng lái nhựa khi được yêu cầu. Khi mở ứng dụng VNeID, người này tỏ ra bỡ ngỡ vì các giấy tờ liên quan xác thực không đạt. Anh cho biết trước đó đã xác thực mức độ 2 với bằng lái và đăng ký xe, nhưng đến nay vẫn không được chấp nhận.
“Tôi dùng điện thoại nhập số khung, biển số xe máy, bằng lái trên ứng dụng từ lâu nên nghĩ đã được tích hợp và không mang theo giấy tờ”, anh nói. Do không có giấy tờ, anh đã bị tạm giữ xe máy.
Theo Thông tư 28 của Bộ Công an, từ ngày 1/7 người dân có thể xuất trình giấy phép lái xe, đăng ký xe… qua ứng dụng VNeID. Cảnh sát giao thông sẽ thu giữ giấy phép trên môi trường điện tử thay vì kiểu cũ. Tuy nhiên, nhiều trường hợp gặp khó khi bị kiểm tra.
Một cảnh sát giao thông TP Thủ Đức cho biết sau khi áp dụng quy định mới từ hôm qua, nhiều người dân còn bỡ ngỡ, một số người lớn tuổi chưa biết đến VNeID. Đa số trường hợp vẫn gặp khó khi tích hợp giấy tờ trên ứng dụng nên cảnh sát vẫn kiểm tra bằng lái, đăng ký xe bằng giấy.
Theo quy trình, khi phát hiện người lái xe vi phạm, nếu lỗi phải tạm giữ bằng lái, cảnh sát giao thông sẽ lập biên bản xử phạt, tạm giữ. Nếu xuất trình giấy tờ điện tử, cảnh sát sẽ kiểm tra bằng cách nhập số giấy phép lái xe vào trang web tra cứu. Sau đó, trên ứng dụng của người vi phạm sẽ hiện dòng chữ “tạm giữ giấy phép lái xe trên môi trường điện tử” cùng thời gian tạm giữ.
Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Phó phòng Cảnh sát giao thông TP HCM, cho biết sắp tới đơn vị sẽ tăng cường xử phạt qua VNeID để người dân dần hình thành thói quen. “Việc này về lâu dài sẽ giúp lực lượng và người dân thuận lợi, không tốn thời gian xử lý các vi phạm hành chính”, ông nói.
Tình trạng người lái xe bối rối khi cảnh sát kiểm tra qua ứng dụng VNeID cũng xảy ra ở nhiều địa phương khác. Tại Hòa Bình, trong ngày đầu kiểm tra, một phụ nữ đeo khẩu trang, găng tay nên loay hoay không xác nhận được vân tay, khuôn mặt để mở khóa và đăng nhập ứng dụng.
Cảnh sát nhắc có thể nhập mật khẩu, người phụ nữ cho biết lâu không sử dụng nên không nhớ mật khẩu. Cuối cùng chị đành xuất trình giấy tờ bản cứng.
Cảnh sát tiếp tục dừng ôtô chạy quá tốc độ 11 km/h, nữ tài xế 57 tuổi, trú Hà Nội xuất trình đồng thời giấy phép lái xe bản cứng và bản trên ứng dụng VNeID. Tuy nhiên, thời hạn giấy phép trên ứng dụng không trùng thời hạn ghi trên bản cứng. Cảnh sát dùng điện thoại cá nhân tra cứu trên hệ thống, xác định thông tin trên VNeID chưa được cập nhật nên đã hỗ trợ tài xế cập nhật. Sau đó, cảnh sát làm thủ tục tạm giữ giấy phép lái xe trên ứng dụng của tài xế này.
Tổ công tác cũng ghi nhận trường hợp đã tích hợp thông tin đầy đủ khi kiểm tra một nam tài xế 33 tuổi, trú Mỹ Đức, Hà Nội lái xe quá tốc độ 12 km/h. Anh này bị lập biên bản vi phạm, biên bản tạm giữ bằng giấy theo thông tin giấy phép trong ứng dụng, hẹn một tuần sau lên Phòng Cảnh sát giao thông Hòa Bình làm thủ tục nộp phạt.
Khi nam tài xế thắc mắc có thể dùng giấy phép bản cứng để lái xe tiếp hay không, cảnh sát giải thích thông tin vi phạm sẽ được cập nhật trên hệ thống, nhà chức trách sẽ dễ dàng phát hiện.
Một cán bộ tổ công tác cho biết sau khi lập biên bản, ứng dụng sẽ chưa hiển thị việc tài xế bị giữ giấy phép lái xe ngay do cảnh sát giao thông thiếu thiết bị nghiệp vụ cập nhật tại chỗ. Các trường hợp vi phạm sẽ được chuyển về Phòng Cảnh sát giao thông vào chiều cùng ngày để nhập lên hệ thống, sau đó thông tin tạm giữ mới hiện trên VNeID của người vi phạm.
Hôm qua, cảnh sát giao thông Hà Nội cũng đồng loạt kiểm tra giấy tờ trên ứng dụng VNeID. Trung tá Đặng Hồng Giang, Đội trưởng Đội số 3, cho biết triển khai Thông tư 28, Đội đã phổ biến quy trình kiểm tra, kiểm soát và hướng dẫn việc xử lý, tạm giữ, tước giấy tờ trên ứng dụng VNeID đến 100% cán bộ chiến sĩ.
Trong những ngày đầu triển khai, lực lượng chức năng sẽ tăng cường hướng dẫn người dân tích hợp các giấy tờ trên ứng dụng VNeID và cách xuất trình giấy tờ liên quan khi được yêu cầu kiểm tra.
T.H (theo VnExpress)
Nguồn: https://baohaiduong.vn/boi-roi-khi-xuat-trinh-giay-phep-lai-xe-qua-vneid-386326.html