Bình Giang là địa phương đặc thù khi nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Tuy nhiên, nhiều thời điểm nước trong hệ thống này ô nhiễm không bảo đảm để tưới dưỡng lúa nên dễ xảy ra tình trạng hạn hán.
Vì sao đến hẹn lại lo?
Nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của Bình Giang được lấy từ 3 tuyến kênh chính của hệ thống Bắc Hưng Hải là Kim Sơn, Đĩnh Đào và Tây Kẻ Sặt. Ngoài các trạm bơm lấy nước trực tiếp từ kênh trục chính thì các trạm bơm cấp nước của kênh trung thủy nông gặp khó khăn do kênh dẫn bị bồi lắng. Trong khi đó, ruộng đất canh tác cao, thấp xen kẽ, không đồng đều. Nơi cao nằm ven các tuyến đường tỉnh 392, 394 và 394C và phía nam các xã Nhân Quyền, Bình Xuyên. Những năm gần đây, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, mực nước các kênh dẫn trạm bơm phụ thuộc mực nước các sông trục chính Bắc Hưng Hải, nhiều thời điểm mực nước xuống thấp dưới 1 m.
Trong quá trình lấy nước từ hệ thống Bắc Hưng Hải, những thời điểm nguồn nước ô nhiễm nặng sẽ không thể lấy nước tưới. Khu vực cuối nguồn cũng thường xuyên bị nhiễm mặn nên không lấy được nước ngược từ kênh Đĩnh Đào.
Theo đánh giá của Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Bình Giang, một số khu vực nhiều năm qua hay thiếu nước bơm tưới vụ đông xuân như: Bình Xuyên, Nhân Quyền, Hồng Khê, Thái Hòa, Hùng Thắng, Vĩnh Hồng với tổng diện tích khoảng 600 ha. Nguyên nhân do khu vực này cuối nguồn nước tưới trong khi một số bể hút trạm bơm và cống lấy nước của xã lại cao. Trong năm 2023, tình hình hạn hán diễn biến phức tạp, ngay cả trong vụ mùa là mùa mưa bão, úng nhưng cũng đã xảy ra hạn cục bộ tại một số địa phương như các xã Thái Hòa, Bình Xuyên, Bình Minh…
Theo ông Đỗ Phương Duy, Phó Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Bình Giang, kể từ ngày 11-27/3, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đoạn qua địa bàn huyện đã chuyển màu đen, bốc mùi hôi thối, không thể lấy nước tưới cho lúa. Tuy nhiên trong khoảng thời gian này đã có mưa nên các diện tích lúa chưa phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới dưỡng. Nếu hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải tiếp tục xảy ra tình trạng nước đen kéo dài và trời không mưa thì nhiều khả năng sẽ có diện tích bị hạn hán.
Xây dựng phương án chi tiết
Ông Lê Văn Ly, đại diện Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Thái Hoà cho biết, vụ đông xuân này, toàn xã có 518 ha lúa. Vụ đông xuân cũng là vụ căng thẳng nhất về nước tưới dưỡng. Năm ngoái, 30 ha lúa của xã bị hạn hán. Để chủ động đối phó, xử lý tình trạng hạn xảy ra trong vụ đông xuân này, xí nghiệp đã lắp đặt 2 máy bơm dầu tại xã Thái Hòa với tổng kinh phí gần 100 triệu đồng. Cách đây hơn chục ngày, các máy bơm này đã được huy động để bơm tưới cho khoảng 30 ha lúa trên địa bàn xã. Hai máy bơm này không cố định mà có thể được di chuyển lưu động cho những vùng khác trên địa bàn huyện nếu xảy ra hạn.
Việc lắp đặt máy bơm dầu tại xã Thái Hòa chỉ là một trong nhiều biện pháp được huyện Bình Giang triển khai để chủ động ứng phó với tình trạng hạn trong vụ đông xuân này. Huyện Bình Giang thực hiện phương châm phòng là chính, chống biểu hiện chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm. Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước sông Hồng và hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải để phòng chống hạn kịp thời. Huyện cũng xác định phòng chống hạn là nhiệm vụ trọng tâm suốt vụ đông xuân 2023-2024, là trách nhiệm của các cấp, ngành, người dân.
Để bảo đảm nước tưới cho hơn 5.881 ha lúa, huyện Bình Giang có 16 trạm bơm tưới do Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện quản lý và 103 trạm bơm tưới do hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp quản lý.
Huyện đã chỉ đạo nạo vét các tuyến sông thủy nông, kênh dẫn, bể hút và chỗ cao cục bộ trên các tuyến kênh dẫn. Giải tỏa kịp thời rau bèo, vật cản, khai thông dòng chảy bảo đảm dẫn nước thuận lợi về bể hút các trạm bơm. Về lâu dài sẽ kết hợp tốt giữa biện pháp nông nghiệp và thủy lợi trong sản xuất, bố trí giống cây trồng, thời gian gieo cấy phù hợp từng khu đồng và khả năng bơm tưới của trạm bơm khi mực nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải xuống thấp. Ngoài ra, huyện Bình Giang còn xây dựng kế hoạch chi tiết, xác định các trọng điểm từng vị trí, từng xã để lắp đặt các máy bơm dã chiến để bơm cấp nguồn. Công nhân trạm bơm của xí nghiệp và của xã phân công ứng trực trạm bơm kể cả ngày lễ, Tết để làm nhiệm vụ bơm chống hạn khi cần…
HOÀNG QUÂN