Nước sạch, vệ sinh sạch
Một căn nhà mái bằng khang trang, đẹp đẽ, chẳng khác mấy so với những căn nhà ở đô thị, đó là tổ ấm của gia đình bà Vũ Thị Thưa ở thôn Đa Nghi, xã Nghĩa An (Ninh Giang). Bà Thưa kể, hơn một năm trước, nhờ nguồn vốn vay theo chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cộng với khoản tiền nhỏ dành dụm sau nhiều năm lao động, gia đình bà đã quyết định xây dựng lại căn nhà mới. “Căn nhà cũ trước đây dù xuống cấp nhưng vẫn ở được, tuy nhiên vì xây đã lâu nên khu vệ sinh không bảo đảm. Nay thì khác rồi, nhà tắm có cả vòi hoa sen, bồn rửa mặt, khu bếp đầy đủ đường nước sạch, rất hiện đại, thơm tho”, bà Thưa chia sẻ.
Cũng nhờ vốn vay theo chương trình này, gia đình ông Phạm Văn Mười, sinh năm 1955 ở thôn Quan Sơn, xã An Sơn (Nam Sách) đã có công trình vệ sinh cùng hệ thống nước sạch khép kín. “Hơn 3 năm trước, cả 5 thành viên trong gia đình tôi phải sử dụng chung một nhà vệ sinh cũ chật chội nên nhiều lúc rất bất tiện. Nhà tôi lại có cháu nhỏ nên việc tu sửa lại khu vệ sinh càng cần thiết, ngặt nỗi lúc ấy kinh tế gia đình khó khăn nên không làm được”, ông Mười cho biết.
Được Hội Nông dân xã An Sơn giới thiệu, hướng dẫn, ông Mười đã hoàn thiện hồ sơ để vay vốn chính sách. Thủ tục đơn giản, không cần thế chấp tài sản, lại được vay tối đa trong 5 năm nên chỉ sau một thời gian ngắn gia đình ông Mười đã có công trình vệ sinh hiện đại, khác hẳn ngày trước.
Đó chỉ là 2 trong số gần 60.000 khách hàng trong toàn tỉnh được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách theo chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Nước sạch, vệ sinh sạch không chỉ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân mà còn giúp các địa phương trong tỉnh thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, hướng đến xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Mức cho vay thấp
Ý nghĩa là vậy, song chương trình tín dụng chính sách cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đang bộc lộ bất cập, rõ nét nhất là mức cho vay. Việc cho vay hiện thực hiện theo Quyết định 1205/QĐ-TTg ngày 19/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ, sửa đổi, bổ sung Quyết định 62/2004/QĐ-TTg ngày 16/4/2004 về tín dụng thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Theo đó từ ngày 25/9/2018, mức cho vay tối đa đối với mỗi loại công trình nước sạch, công trình vệ sinh tăng từ 6 triệu đồng/công trình lên 10 triệu đồng/công trình, tức là tăng tối đa từ 12 triệu đồng/hộ lên 20 triệu đồng/hộ. Đến nay, sau 6 năm, mức cho vay tối đa 20 triệu đồng/hộ đó vẫn được áp dụng.
Chương trình tín dụng chính sách này đang có mức lãi suất được quy định là 9%/năm.
Một phép toán đơn giản, nếu một hộ dân nông thôn vay tối đa 20 triệu đồng để xây dựng một công trình vệ sinh và một công trình nước sạch trong tối đa 5 năm, mỗi tháng sẽ phải trả 333.333 đồng tiền gốc, tiền lãi từ 150.000 đồng, giảm dần theo dư nợ. “Đây là số tiền không lớn, người dân nông thôn như chúng tôi có thể trang trải được. Nhưng vấn đề là số tiền được vay không cao, trong khi hiện chi phí nhân công, vật liệu, rồi nhiều thiết bị phòng tắm tăng, 10 triệu đồng không đủ để xây một công trình vệ sinh”, ông Lê Văn Sang ở xã Ngô Quyền (Thanh Miện) băn khoăn.
Không ít người dân cùng chung tâm lý như ông Sang nên nhiều người chuyển sang vay vốn ở ngân hàng thương mại, vừa được vay số tiền lớn, vừa được hưởng mức lãi suất đang thấp hơn.
Để tháo gỡ vấn đề này nhằm đẩy mạnh nguồn vốn chính sách, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng thực hiện Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo dự thảo, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được giữ nguyên mức lãi suất 9%/năm, thời hạn cho vay tối đa 5 năm, song nâng mức cho vay tối đa mỗi loại công trình (nước sạch hoặc vệ sinh) lên 25 triệu đồng/hộ.
Không riêng mức vay vốn, chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn còn bộc lộ một hạn chế khác. Đó là địa bàn cho vay vốn. TP Hải Dương, Chí Linh, Kinh Môn hiện có không ít đối tượng chính sách có nhu cầu vay vốn chương trình này, nhưng do nơi sinh sống không thuộc khu vực nông thôn nên không được vay.
Trong dự thảo nói trên, nội dung về đối tượng vay vốn cũng được điều chỉnh. Theo đó, đối tượng vay vốn là hộ gia đình cư trú hợp pháp tại địa phương thuộc vùng nông thôn. Vùng nông thôn là khu vực địa giới hành chính không bao gồm địa bàn phường thuộc thị xã, quận và thành phố. Như vậy, có thể hiểu tại các xã chưa lên phường ở TP Hải Dương, Chí Linh, Kinh Môn, người dân vẫn có thể vay vốn chương trình này.
Theo số liệu thống kê từ Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Hải Dương, đến hết tháng 4/2024, dư nợ chương trình này trên địa bàn tỉnh đạt gần 1.100 tỷ đồng, chiếm 21,6% tổng dư nợ tín dụng chính sách. Đây là chương trình có dư nợ cao thứ 3 trong số 12 chương trình đang triển khai trên địa bàn, góp phần xây dựng hơn 8.100 công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn.
HÀ KIÊN