Bên ngoài ách tắc, bên trong gập ghềnh
6 giờ 30 sáng mỗi ngày, có mặt tại khu vực cầu vượt ngay gần cổng khu công nghiệp Phúc Điền (Cẩm Giàng) mới thấy tình trạng giao thông ở đây rất phức tạp. Công nhân đổ dồn về khu công nghiệp Phúc Điền đông như hội. Việc di chuyển trên cây cầu và đoạn đường vào khu công nghiệp lúc này rất khó khăn. Chị Nguyễn Thị Phương, một công nhân làm việc trong khu công nghiệp Phúc Điền cho biết muốn thông thoáng thì phải đi từ rất sớm, hoặc qua hẳn giờ cao điểm. Đi muộn thì không được vì sẽ bị công ty phạt, đi sớm quá thì lại không kịp chuẩn bị cho con cái đi học, nên cứ đến giờ cao điểm ai cũng đổ ra đường vội vàng đi làm, nhiều khi gây ách tắc ở trên cầu, thậm chí xảy ra va chạm.
Tại khu công nghiệp Đại An (TP Hải Dương), điểm lên và xuống cầu cầu vượt không được phân làn cụ thể gây nguy hiểm với các phương tiện di chuyển trên đường gom. Chị Hoàng Thị Hương, một công nhân trong khu công nghiệp Đại An cho biết đường trong khu luôn có nhiều xe tải, xe chở container tải trọng lớn vận chuyển hàng hóa, xe đưa đón công nhân đi lại nên gây khó khăn cho công nhân đi xe máy, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, nhiều vụ tai nạn giao thông đã xảy ra. Các gờ giảm tốc lại làm quá cao, nên công nhân đi lại bất tiện. Khu công nghiệp thường có nhiều điểm giao cắt không có đèn tín hiệu giao thông. Những đoạn này ngắn, công nhân đi xe máy với tốc độ cao nên thường xuyên xảy ra tai nạn.
Theo một số nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, va chạm ở ngã ba, ngã tư trong khu công nghiệp thường xảy ra với công nhân từ vùng cao xuống làm việc do chưa thông thạo đường hoặc đi xe máy khi cơ thể có nồng độ cồn, đi nhanh, thiếu quan sát… Tại đường gom đến khu công nghiệp Phúc Điền, Tân Trường còn một số hàng quán, khi có người dừng đỗ xe uống nước, mua đồ cũng gây cản trở lớn đến việc ra vào khu công nghiệp. Những điểm có cầu vượt đều cấm xe ô tô nhưng có lúc cao điểm loại xe này vẫn đi qua.
Tỉnh Hải Dương hiện có 12 khu công nghiệp đã đầu tư xây dựng hạ tầng và khai thác kinh doanh. Hiện có hơn 108.000 công nhân, lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp. Vì vậy mật độ giao thông tại các điểm nối từ khu công nghiệp với quốc lộ, tỉnh lộ đều đông đúc vào giờ cao điểm, gây áp lực về hạ tầng giao thông, tiềm ẩn nguy cơ về tai nạn giao thông.
Kinh nghiệm thành giải pháp
Trước đây, công nhân thường xuyên đi ngược chiều trên quốc lộ 5 đến khu công nghiệp Lai Vu (Kim Thành) để làm việc dẫn đến không ít vụ tai nạn giao thông, thậm chí có vụ gây chết người. Từ khi Công ty TNHH một thành viên Khu công nghiệp Lai Vu đầu tư, xây dựng và đưa cầu chui Lai Vu vào hoạt động (năm 2021) đã khắc phục tình trạng đi ngược chiều trên quốc lộ 5 để đến khu công nghiệp Lai Vu.
Để bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong khu công nghiệp, nhiều nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp và doanh nghiệp thứ cấp đã phối hợp với Công an tỉnh, Công an cấp huyện tổ chức tuyên truyền pháp luật về giao thông đường bộ cho công nhân, lao động. Ngoài tuyên truyền trực tiếp, các doanh nghiệp còn phát thanh trong nhà máy, treo băng rôn, khẩu hiệu vận động công nhân tham gia giao thông an toàn.
Đại diện nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Phúc Điền cho biết các gờ giảm tốc trong khu công nghiệp ban đầu được làm cao, dốc nên công nhân đi lại khó khăn, sau khi lắng nghe ý kiến của người lao động, nhà đầu tư đã hạ thấp gờ giảm tốc và làm rộng hơn. Các gờ giảm tốc đặt ở gần ngã ba, ngã tư để giúp công nhân khi gần đến sẽ đi chậm lại, hạn chế va chạm giao thông. Nhà đầu tư đã đề nghị huyện Cẩm Giàng bố trí lực lượng chức năng dẹp hàng quán, lều tạm ở ven đường gom để thông thoáng hơn.
Tại các điểm cầu vượt qua quốc lộ 5 vào khu công nghiệp, nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp và công nhân đều mong muốn Công an các huyện, thành phố bố trí lực lượng cảnh sát giao thông hướng dẫn, phân luồng để tránh tình trạng chen lấn, xô đẩy trên cầu. Công an các xã, phường có khu công nghiệp tiếp tục phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh chủ động làm việc với doanh nghiệp, yêu cầu ký cam kết bảo đảm trật tự an toàn giao thông và đưa vấn đề thực hiện an toàn giao thông vào quy chế, xét thưởng thi đua của cán bộ, công nhân lao động.
Dự kiến đến năm 2030 khi tất cả 32 khu công nghiệp của tỉnh được xây dựng hạ tầng và đi vào hoạt động sẽ thu hút hơn 300.000 công nhân, lao động. Vì thế, việc quy hoạch, đầu tư hệ thống giao thông kết nối phải đồng bộ, đi trước một bước, khắc phục những bất cập để bảo đảm an toàn cho người lao động.
MINH NGUYÊN
Nguồn: https://baohaiduong.vn/bat-cap-giao-thong-khu-cong-nghiep-o-hai-duong-391250.html