Sáng mai (26/9), Báo Giao thông tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Cách nào để xe buýt, metro Thủ đô thêm hút khách?”.
Hà Nội hiện có tổng số 153 tuyến buýt đang khai thác, vận hành. Trong đó 128 tuyến buýt trợ giá, 9 tuyến buýt không trợ giá,13 tuyến buýt kế cận và 3 tuyến City tour.
Mạng lưới xe buýt hiện đã tiếp cận đến toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã; 513/579 số xã, phường thị trấn (đạt 88,6%); 65/75 bệnh viện (đạt 87%); 192/286 các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông (đạt 67%).
Xe buýt cũng đã tiếp cận toàn bộ 27 khu công nghiệp lớn, 33/37 các khu đô thị (đạt 89,2%); 23/24 làng nghề (đạt 95,8%); 23/25 khu di tích lịch sử văn hoá khu du lịch (đạt 92%) đồng thời kết nối với 8 tỉnh thành lân cận (Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Nam Định).
Thành phố có 11 đơn vị vận tải tham gia hoạt động buýt với hơn 2.100 phương tiện. Mỗi ngày đảm nhận vận chuyển hàng chục nghìn hành khách.
Những năm gần đây, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực mở rộng mạng lưới, đầu tư đổi mới phương tiện, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, điều hành, giúp người dân tiếp cận dịch vụ vận tải hành khách công cộng dễ dàng hơn.
Từ năm 2021 – 2024, Hà Nội có thêm 2 tuyến tàu điện, Metro Cát Linh – Hà Đông, Nhổn – ga Hà Nội kết nối với xe buýt phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách. Tuy nhiên, sản lượng hành khách vẫn chưa được như kỳ vọng.
Trên đường phố đa phần là xe cá nhân di chuyển, trong khi mục tiêu đề ra đến năm 2025 vận tải hành khách công cộng đạt 30-35% là một thách thức không nhỏ.
Việc tìm giải pháp để xe buýt, tàu điện Thủ đô thêm thu hút nhiều người bỏ xe cá nhân, sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng là vấn đề đặt ra tại toạ đàm ngày mai (26/9)
Tại toạ đàm, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia, doanh nghiệp sẽ cùng thảo luận, đưa ra những định hướng, giải pháp cụ thể hơn cho những chặng đường tới đây.
Khách mời tham dự toạ đàm:
1. Ông Vũ Hồng Trường, TGĐ Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội.
2. Ông Nghiêm Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội.
3. Ông Phạm Đình Tiến, Trưởng phòng Kế hoạch – Vận hành, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông TP Hà Nội
4. Ông Phan Lê Bình – Chuyên gia iao thông.