Margaret Bensfield Sullivan, blogger du lịch, có một gia đình hoàn hảo đáng mơ ước. Cô sống ổn định cùng chồng và hai con, sự nghiệp thăng tiến, một căn hộ tại New York, Mỹ, và nuôi một con chó. Mọi chuyện thay đổi sau chuyến công tác đến Tanzania năm 2017 của Margaret và cô đã gọi đây là “chuyến đi mở rộng tầm mắt”.
Margaret nhận ra “thế giới thật rộng lớn”, cuộc đời cô chỉ đang diễn ra trong một phần rất nhỏ của thế giới đó. Gia đình cô cần ra ngoài và xem chuyện gì đang xảy ra trên thế giới này.
Hai vợ chồng Margaret và Teddy, một doanh nhân, dành nhiều tháng chuẩn bị, thuê các công ty du lịch lập giúp kế hoạch. Họ rời nhà vào một ngày thời tiết ấm áp trong tháng 1/2019 đến Nam Mỹ, châu Phi, Trung Đông, châu Âu và cuối cùng là châu Á – Thái Bình Dương.
Dù lên kế hoạch kỹ lưỡng, họ vẫn gặp phải rủi ro như phải chịu đựng chứng đau dạ dày tái phát ở Bắc Kinh, Trung Quốc; say độ cao tại Peru và bị lây chấy rận tại Berlin, Đức.
Hai vợ chồng đã mang theo mọi loại thuốc để phòng ngừa bệnh tật nhưng không bao giờ nghĩ đến sẽ bị lây chấy rận. “Ở New York, chỉ cần một cuộc gọi sẽ có người đến hỗ trợ và loại bỏ chấy, rận khỏi con bạn. Nhưng ở Đức thì không”, nữ du khách Mỹ nhớ lại.
Một trải nghiệm đáng nhớ của Margaret chính là lần đầu gặp Piranha, loài cá ăn thịt người theo truyền thuyết, khi họ đang đi thuyền trên sông Amazon. Một người đã ném con cá Piranha còn sống vào người cô khiến Margaret vô cùng sợ hãi và ngã ngửa trên thuyền. Xung quanh cô lúc đó rất nhiều cá ”ăn thịt” bơi lội. Nhưng cuối cùng, họ đã kết thúc bữa ăn với cá Piranha nướng. “Giờ hàm răng sắc của con cá được đóng khung trong nhà chúng tôi”, Margaret nói.
Bên cạnh những rủi ro, gia đình cô cũng mắc nhiều sai lầm. Một trong số đó là nghe theo lời khuyên của công ty du lịch và ghé thăm một trại trẻ mồ côi ở Đông Nam Á. Khi rời khỏi, họ lập tức hối hận không nên đến đây vì cảm giác đè nặng. “Không nên coi trại trẻ mồ côi như điểm du lịch, đó là hành động vô trách nhiệm”, Margaret nói. Cô cho rằng nên đến thăm một đất nước với thái độ tôn trọng và tò mò khám phá văn hóa. Đó mới là con đường đúng đắn để đi du lịch.
Chuyến đi cũng giúp gia đình Margaret suy ngẫm về khoảng cách giữa kỳ vọng và thực tế khi du lịch. Trước khi đi du lịch, hai vợ chồng từng nghĩ sẽ có rất nhiều thời gian rảnh rỗi. Nhưng vào thực tế họ đã vô cùng bận rộn vì phải chăm sóc hai đứa trẻ 4 tuổi và 6 tuổi.
Đổi lại, chuyến đi giúp họ biết cách sắp xếp đồ đạc, cân bằng cuộc sống hơn. Ban đầu, họ rời nhà với những túi hành lý lớn và miễn cưỡng bỏ lại nhiều thứ. Nhưng khi trở về, họ nhận ra các túi xách đã vơi đi một nửa. “Chúng ta không cần mang quá nhiều thứ khi đi du lịch như chúng ta vẫn nghĩ”, cô nói.
Hai vợ chồng cũng bị bất ngờ về thói quen như ngủ sớm từ 8 giờ 30. Khi đến những vùng đất xa lạ, sự phân chia trong gia đình như cha mẹ đóng vai trò bảo vệ con cái cũng biến mất. Hai vợ chồng đôi khi bị bất ngờ, khó hòa nhập vào cuộc sống ở nơi mới đến, không biết tiếng địa phương. Nhưng lũ trẻ thì hòa nhập nhanh hơn họ nghĩ. “Lũ trẻ rất dũng cảm, hài hước và thích khám phá”, cô nói.
Giữa tất cả thử thách, sai lầm trong một năm đặt chân đến 29 quốc gia, Margaret cho biết cô học được rằng có nhiều người tốt hơn người xấu. Mọi người ở khắp thế giới không hề xấu, hầu hết họ luôn giúp đỡ những người khách lạ phương xa.
Điều giúp hai vợ chồng đối mặt với thực tế chính là chuyến đi có thời hạn chỉ một năm. Kế hoạch có ngày khởi hành và ngày kết thúc giúp hai vợ chồng yên tâm hơn vì vẫn có thể kiểm soát được tình hình.
Khi được hỏi liệu có lời khuyên nào dành cho mọi người, Margaret nói việc duy nhất cần làm là hãy lên ý tưởng và bắt tay vào thực hiện ngay lập tức.
TB (theo VnExpress)