Sáng 13/2, tỉnh Hải Dương trang trọng tổ chức Lễ khai hội mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc năm 2025, tưởng niệm 691 năm ngày viên tịch của Đệ Tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả (1334 – 2025), kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Côn Sơn (1965-2025) và phát động Tết trồng cây tại chùa Côn Sơn trong khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc (Chí Linh).
Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương; Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, một số tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang…
Cùng dự có các đồng chí: Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương; Lê Ngọc Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh…
Các ông: Bùn Sone Phết Là Vằn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Viêng Chăn (Lào); Kim Hyun Soo, Phó Thị trưởng thứ nhất TP Suwon (Hàn Quốc); đại diện UNESCO ở Việt Nam tới dự.
Trước khi diễn ra lễ khai mạc, các đại biểu cùng thưởng thức hoạt cảnh “Côn Sơn in dấu chân Người” do các diễn viên Nhà hát Chèo, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh biểu diễn.
Trong diễn văn khai mạc tại buổi lễ, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu nêu bật giá trị Côn Sơn – Kiếp Bạc là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa, gắn liền với lịch sử hào hùng, oanh liệt của dân tộc Việt Nam. Nơi đây đã quy tụ nhiều bậc cao nhân, hiền sĩ ẩn tu; nơi lập đại bản doanh chống quân Nguyên của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn; nơi Tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả ẩn tàng; Tư đồ Trần Nguyên Đán mở Động Thanh Hư và cũng tại đây, người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi “ngẫm, suy việc dân, vận nước” để rồi sau này làm nên sự nghiệp lớn lao.
Cảnh sắc Côn Sơn vốn là chốn Tổ hùng thiêng, nay lại càng đẹp đẽ, tôn nghiêm, trở thành danh thắng nổi tiếng trong nước và quốc tế. Côn Sơn – Kiếp Bạc đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; Lễ hội truyền thống Côn Sơn – Kiếp Bạc được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012.
Các báu vật trong khu di tích như: bia “Thanh Hư Động”, bia “Côn Sơn Tư Phúc tự bi”, bộ tượng “Tam Thế Phật” chùa Côn Sơn đã được công nhận là bảo vật quốc gia vào các năm 2015, 2017 và 2024.
Những giá trị vật thể, phi vật thể trên là minh chứng sống động góp phần khẳng định, xác thực hồ sơ đề nghị Tổ chức Văn hóa, giáo dục thế giới UNESCO ghi danh quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc là di sản thế giới.
Với bề dày lịch sử, giá trị văn hóa to lớn, Côn Sơn – Kiếp Bạc đã trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước; nơi lưu giữ và tôn vinh những giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc; nơi bảo tồn và thực hành các nghi lễ tôn giáo. Đồng thời, di tích cũng phát huy mạnh mẽ tiềm năng du lịch văn hóa, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Hải Dương.
Ngược dòng lịch sử 60 năm về trước, ngày 15/2/1965, tỉnh Hải Dương vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Đây là lần thứ 5 Người về Hải Dương và để lại nhiều tình cảm sâu nặng, dấu ấn đậm nét trong lòng người dân Hải Dương.
Trong chuyến thăm này, Bác đến thăm chùa Côn Sơn. Hình ảnh Bác Hồ đọc văn bia tại chùa Côn Sơn đã trở thành ký ức thiêng liêng trong lòng nhân dân, là biểu tượng cao đẹp về tinh thần trân quý những giá trị văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Sau đó, Bác cùng đoàn tiếp tục lên núi Côn Sơn thăm phong cảnh Thanh Hư động và dừng chân trên Thạch Bàn – nơi Nguyễn Trãi thường ngồi đọc sách, làm thơ và trăn trở về vận nước, lòng dân. Tại đây, Bác ân cần căn dặn: “Cán bộ và nhân dân phải bảo vệ tốt di tích lịch sử, trồng thật nhiều cây để Côn Sơn trở thành tùng lâm đẹp đẽ”.
Lịch sử hào hùng đã để lại cho quê hương Hải Dương những di sản văn hóa vô giá. Tự hào với truyền thống văn hiến, cách mạng và anh hùng, tỉnh Hải Dương bước vào giai đoạn phát triển mới với niềm tin, khí thế và khát vọng vươn lên mạnh mẽ cùng tinh thần đoàn kết, thống nhất, dám nghĩ, dám làm, quyết tâm của các cấp, ngành, sự đồng lòng của toàn thể nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, Hải Dương sẽ hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh năm 2025, góp phần đưa tỉnh ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh.
Sau diễn văn của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu, đồng chí Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đã khởi trống khai hội mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc năm 2025.
Sau tiếng trống khai hội, các đại biểu, nhân dân và du khách thập phương đã thành kính dâng hương tưởng niệm 691 năm ngày viên tịch của Đệ Tam tổ Thiền phái Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả.
Trước đó, sáng sớm cùng ngày, trong khuôn khổ Lễ hội mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc đã diễn ra lễ rước nước.
Sau lễ khai hội là Lễ khai mạc Tuần Văn hóa, du lịch và xúc tiến thương mại năm 2025 với nhiều hoạt động đặc sắc.
Chiều cùng ngày diễn ra Giải vật dân tộc tại sân đá trước cổng chùa Côn Sơn.
Báo Hải Dương liên tục cập nhật những thông tin lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc trên baohaiduong.vn và các nền tảng mạng xã hội YouTube, Facebook, TikTok tại các địa chỉ mang tên Báo Hải Dương.
NHÓM PV
Nguồn: https://baohaiduong.vn/khai-hoi-mua-xuan-con-son-kiep-bac-nam-2025-405140.html