Chuyển biến tích cực
Chị Hoàng Thị Luyến ở xã Yết Kiêu (Gia Lộc) cho biết: “Trước đây một số người đi xe máy điện trong đường làng thường không đội mũ bảo hiểm, thanh niên đi xe máy chở ba phóng nhanh khiến mỗi khi ra đường tôi luôn nơm nớp lo lắng… Hiện nay, với sự nghiêm khắc của pháp luật, tôi thấy ý thức chấp hành giao thông của mọi người đều nâng cao, từ đó bảo đảm an toàn cho mọi người”.
Đó không chỉ là cảm nhận của chị Luyến và nhiều người dân trong tỉnh. Theo ghi nhận của lực lượng cảnh sát giao thông các địa phương, sau hơn 1 tháng khi Nghị định 168 có hiệu lực, ý thức chấp hành pháp luật của người dân toàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực cả ở khu vực đô thị cũng như nông thôn. Người dân chấp hành nghiêm các quy định về đội mũ bảo hiểm, hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, đi lại từ tốn hơn… Sự chuyển biến này không chỉ khi người dân tham gia giao thông trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, mà ngay tại đường trục xã, đường thôn.
Kết quả trên là do từ trước và sau khi Nghị định 168 có hiệu lực, Ban An toàn giao thông các địa phương, lực lượng cảnh sát giao thông đã tăng cường công tác tuyên truyền.
Trong tháng 1, Công an tỉnh Hải Dương đã phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông như Báo Hải Dương, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tuyên truyền các hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đấu tranh phòng chống tội phạm của lực lượng cảnh sát giao thông trên toàn tỉnh, tăng cường tuyên truyền về Nghị định 168…
Lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã tổ chức 75 buổi tuyên truyền cho 31.920 lượt người là công nhân, người lao động, học sinh, giáo viên các trường học, nội dung tuyên truyền tập trung vào một số điểm mới của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Nghị định 168, hướng dẫn kỹ năng lái xe an toàn. Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh và lực lượng cảnh sát giao thông các địa phương trong tỉnh đã lắp dựng hàng trăm biển tuyên truyền về mức xử phạt theo Nghị định 168 đối với hành vi vượt đèn đỏ tại các khu vực nút giao có đèn tín hiệu giao thông…
Xử lý nghiêm vi phạm
Song song với công tác tuyên truyền, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh tăng cường ra quân tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm.
Hồi 19 giờ 55 ngày 24/1, tổ công tác thuộc Đội Cảnh sát giao thông – trật tự, Công an huyện Ninh Giang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát tại đường liên xã Nghĩa An. Tổ công tác yêu cầu anh N.N.Q., sinh năm 1997, ở xã Tân Hương (Ninh Giang) đi xe máy 29L5-335.65 đo nồng độ cồn. Kết quả đo xác định anh Q. có nồng độ cồn vượt quá 0,4 mg/l khí thở. Với lỗi này, anh Q. bị xử phạt vi phạm hành chính 9 triệu đồng, tăng 2 triệu đồng so với mức phạt cũ. Anh Q. trình bày do đi ăn tiệc tất niên nên có uống một vài chén. Đây sẽ bài học đắt giá cho anh Q.
Theo Đội Cảnh sát giao thông – trật tự, Công an huyện Ninh Giang, từ ngày 1/1 đến ngày 9/2 (từ khi Nghị định 168 có hiệu lực), đơn vị đã phát hiện, xử lý 299 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền hơn 1,3 tỷ đồng, tạm giữ 125 phương tiện, tước giấy phép lái xe 34 trường hợp, trừ điểm giấy phép lái xe 44 trường hợp. Trong đó có 71 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 83 trường hợp vi phạm tốc độ, 38 trường hợp vượt đèn đỏ…
Còn trung tá Tăng Xuân Quang, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông – trật tự, Công an huyện Cẩm Giàng cho biết từ ngày 1/1 đến 9/2, đội đã phát hiện, xử lý 481 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền hơn 2,1 tỷ đồng, tạm giữ 136 phương tiện, tước giấy phép lái xe 38 trường hợp, trừ điểm giấy phép lái xe 65 trường hợp. Trong đó có 98 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 27 trường hợp quá tải trọng, 93 trường hợp quá tốc độ…
Trong hơn 1 tháng qua (từ ngày 1/1- 9/2), lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh phát hiện, xử lý 7.175 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, xử phạt 25,9 tỷ đồng, tước 341 giấy phép lái xe, trừ điểm giấy phép lái xe 1.078 trường hợp. Trong đó có 1.300 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 2.202 trường hợp vi phạm tốc độ, 70 trường hợp quá tải, 145 trường hợp vượt đèn đỏ, 97 trường hợp ngược chiều, đường cấm…
Ý thức tự giác chấp hành pháp luật về giao thông của người dân được nâng lên, kết hợp sự ra quân đồng bộ xử lý nghiêm các vi phạm của lực lượng chức năng đã góp phần kéo giảm số vụ và thiệt hại do tai nạn, va chạm giao thông ở các địa phương.
Trong tháng 1/2025, tai nạn giao thông tại Hải Dương giảm 2 tiêu chí về số vụ, số người bị thương, tăng số người chết. Toàn tỉnh xảy ra 50 vụ tai nạn và va chạm giao thông làm 18 người chết, 44 người bị thương; giảm 26 vụ, tăng 2 người chết, giảm 29 người bị thương so với cùng kỳ năm 2024.
Nghị định 168 đi vào cuộc sống đã tạo chuyển biến rõ rệt tại các địa phương. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông một cách bền vững, chúng ta cần tiếp tục thực hiện đồng bộ và hiệu quả nhiều giải pháp, trong đó ý thức tự giác chấp hành của người dân đóng vai trò then chốt.
Phần lớn nguyên nhân gây tai nạn do lỗi chủ quan
Qua phân tích của Ban An toàn giao thông tỉnh cho thấy nguyên nhân dẫn đến tình hình tai nạn giao thông tại khu vực nông thôn diễn biến phức tạp là do một số tuyến đường giao thông nông thôn còn nhỏ hẹp. Ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân còn chưa tốt, một số người có tâm lý chủ quan, cho rằng đi từ nhà này sang nhà kia, đi trên đường làng, đường xã thì không cần đội mũ bảo hiểm, có thể chở quá số người quy định. Một số người dân ở nông thôn khi tham gia đám hiếu, đám hỉ, tiệc liên hoan đã uống rượu, bia nhưng khi ra về vẫn tham gia giao thông. Bên cạnh đó, tình trạng lấn chiếm lòng lề đường để bán hàng, tập kết vật liệu xây dựng… còn diễn ra phổ biến ở nhiều khu vực.
Để giảm thiểu tai nạn giao thông ở nông thôn, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong quá trình quy hoạch xây dựng giao thông nông thôn, các cấp, ngành, địa phương cần mở rộng hệ thống đường sá bảo đảm tầm nhìn, đường cong, tăng cường hệ thống báo hiệu đường bộ…
Vũ Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở giao thông vận tải Hải Dương
Tăng cường tuyên truyền về Nghị định 168
Ở xã Yết Kiêu (Gia Lộc), việc tuyên truyền về an toàn giao thông cho người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các hội nghị, cuộc họp được đẩy mạnh. Địa phương cũng thường xuyên ra quân giải tỏa vi phạm và tuyên truyền nhắc nhở người dân không lấn chiếm lòng đường vỉa hè. Từ khi thực hiện Nghị định 168, chúng tôi tăng cường tuyên truyền các quy định mới, các mức phạt để người dân nắm được và nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật giao thông. Từ đó giúp người dân hiểu rằng việc chấp hành tuân thủ các quy định giao thông không chỉ bảo vệ bản thân mà còn bảo vệ những người xung quanh.
Vũ Văn Vương, Phó Chủ tịch UBND xã Yết Kiêu (Gia Lộc)
Tuân thủ quy định khi tham gia giao thông để bảo vệ mình
Trước kia khi đi trong làng hoặc đi ra đồng làm tôi và những người khác đa phần đều để đầu trần hoặc chỉ đội mũ nón thông thường vì nghĩ đi một đoạn gần. Tại những nơi có đèn tín hiệu mà không thấy cảnh sát giao thông có khi cũng không chấp hành nghiêm. Từ khi Nghị định 168 có hiệu lực, mức phạt đối với các lỗi vi phạm giao thông tăng nên bản thân tôi và những người xung quanh dù đi quãng đường xa hay gần đều cẩn thận hơn. Mình tuân thủ quy định khi tham gia giao thông vừa bảo vệ mình, vừa tránh mất tiền phạt, chứ đóng phạt vài triệu là coi như mất gần tháng lương rồi.
Phạm Đình Quyết, xã Hồng Dụ (Ninh Giang)
HN
Nguồn: https://baohaiduong.vn/di-dung-luat-ngay-tu-duong-lang-405048.html