Cả 3 địa phương đều có những điểm nhấn nổi trội, riêng biệt trong lĩnh vực văn hoá.
Những công viên làng
Một ngày đầu xuân, cùng tôi dạo bước trên những cung đường sạch đẹp của địa phương, ngắm nhìn những công trình văn hoá khang trang, Chủ tịch UBND xã Toàn Thắng Nguyễn Văn Xuân khoe: “Nếu nói về các công trình được quy định trong hệ thống thiết chế văn hoá thì có lẽ không nhiều nơi xây dựng đồng bộ, hiện đại được như xã này”.
Nằm giữa trục đường trung tâm thôn Bái Thượng, hiện lên trước mắt tôi là công trình nhà văn hoá to đẹp, khang trang. Có lẽ nhà văn hoá của thôn này không thua kém là mấy nếu so với một số nhà văn hoá cấp huyện khi có sức chứa 250 chỗ ngồi, sân khấu rộng rãi, hệ thống loa máy có giá trị hàng trăm triệu đồng. Ông Xuân bảo, cả xã có 4 thôn thì 3 thôn đã xây được nhà văn hoá như này, còn thôn Phạm Trung vừa phá bỏ nhà văn hoá cũ, đang xây mới to đẹp hơn. Mỗi công trình nhà văn hoá thôn ở đây có giá trị xây dựng từ 5-8 tỷ đồng.
Theo quy định, xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu cần có ít nhất 1 điểm vui chơi, giải trí và thể thao phù hợp trẻ em và người cao tuổi. Tôi hỏi về công trình này của địa phương, ông Xuân cho biết cả 4 thôn đều có sân thể thao rộng hàng nghìn m2. Ngoài ra, 2 thôn Bái Thượng và Phạm Trung còn xây dựng được “công viên làng” bằng sự chung tay, góp sức của nhân dân. Mỗi công viên rộng khoảng 4.000 m2, ở giữa có ao, xung quanh có đường dạo, cây xanh và lắp các dụng cụ thể thao ngoài trời. Tại 2 công viên làng đều xây sân khấu, là nơi biểu diễn văn nghệ vào các dịp lễ, Tết. Đó còn chưa kể tới xã còn sân vận động, nhà văn hoá cũng thuộc diện to đẹp trong vùng.
Về xã Chi Lăng Nam, tôi ấn tượng khi nơi này có khu “liên hợp thể thao” nằm ở trung tâm xã với sân vận động, ao bơi hợp vệ sinh, xung quanh lắp đặt hệ thống dụng cụ thể thao ngoài trời. Xã này cũng có 3 công viên làng nằm rải rác ở các thôn.
Xuống “công viên làng” ở xóm 4 thôn Triều Dương, tôi thấy nhiều người dân đang tập thể dục trên những dụng cụ thể thao ngoài trời. Giữa công viên có 1 chiếc giếng làng được người dân trân trọng gìn giữ. Hỏi chuyện, tôi được biết công viên xóm 4 được xây dựng trên nền đất công điền của xã bị bỏ hoang nhiều năm. Tham gia xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo thôn Triều Dương vận động nhân dân đóng góp kinh phí, ngày công để xây công viên.
Gia đình bà Vũ Thị Điềm nằm sát cạnh công trình trên tình nguyện hiến 63 m2 đất để mở rộng công viên. Một con em quê hương thành đạt ủng hộ 200 triệu đồng để xây dựng, mua ghế đá, trồng cây xanh, làm bồn hoa, cây cảnh. Ông Trương Công Phượng cùng bà con tập thể dục tại công viên hồ hởi nói: “Gần 70 năm cuộc đời, chưa khi nào tôi được chứng kiến quê hương có cơ sở vật chất, đời sống văn hoá tốt như hiện nay”.
Ở xã Chi Lăng Nam, nhiều ao tù, nước đọng đã được cải tạo để làm nên những công trình văn hoá, phục vụ nhân dân rèn luyện sức khoẻ như thế. Xã này còn có khu du lịch sinh thái Đảo Cò nổi tiếng. Nơi đây không chỉ đơn thuần là một điểm du lịch mà cũng có thể coi là một công viên khi xunh quanh có đường dạo phục vụ nhân dân luyện tập thể dục hằng ngày.
Đời sống tinh thần phong phú
Về thăm xã Thống Kênh, tôi ấn tượng khi giữa sự hiện đại của cơ sở hạ tầng nhưng nơi này vẫn giữ được những công trình, nét đẹp văn hoá truyền thống. Cổng làng thôn Đồng Đội dù mới xây, thuộc diện to đẹp nhất vùng nhưng vẫn giữ gìn được những nét kiến trúc có từ thời xa xưa.
Nói về chặng đường xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, Bí thư Đảng uỷ xã Phạm Văn An cho biết địa phương coi trọng phát triển những công trình hiện đại, đồng bộ để nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân nhưng không quên gìn giữ những giá trị văn hoá cổ. Toàn xã có 4 ngôi đình thờ 3 chị em họ Đào có công phò vua Duệ Vương đánh giặc Thục, giặc Lương bảo vệ đất nước đều đã được trùng tu, tôn tạo với kinh phí hàng chục tỷ đồng, cơ bản đều do nhân dân, con em quê hương đóng góp.
Dịp đầu xuân hằng năm, các thôn trong xã đều tổ chức hội rất đông vui. Ngoài các nghi thức truyền thống, nhiều trò chơi truyền thống được đưa vào chương trình lễ hội làm phong phú đời sống tinh thần cho nhân dân.
3/5 thôn ở xã Thống Kênh còn giữ gìn được giếng cổ. Xã có một đội đua thuyền rồng, một đội tuồng ở thôn Đồng Đội, có người 90 tuổi vẫn tham gia.
Đi qua 5 thôn của xã này, nơi nào cũng thấy có sân thể thao rộng rãi. Sân thể thao thôn Kênh Triều nổi bật nhất, rộng trên 2.000 m2, làm được cả sân cỏ nhân tạo, kế bên có 2 sân bóng chuyền. Chiều chiều, các tầng lớp nhân dân trong thôn ra đây tụ họp, vui chơi. “Sự kết hợp hài hoà giữa các công trình văn hoá truyền thống, hiện đại giúp đời sống tinh thần của nhân dân rất phong phú. Phong trào văn hoá, văn nghệ, thể thao của xã thuộc diện điển hình của huyện”, ông An thông tin.
Các công trình văn hoá tại xã Toàn Thắng được đầu tư đồng bộ, hiện đại cho thấy đời sống tinh thần ở đây rất phong phú. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Xuân cho biết cả 4 thôn đều có các đội bóng chuyền hơi, bóng chuyền da, bóng đá mi ni, dân vũ, văn nghệ. Phong trào văn nghệ ở đây được duy trì nền nếp, đứng đầu toàn huyện.
Vào các dịp lễ lớn trong năm, các thôn trong xã đều tổ chức liên hoan văn nghệ. Sân khấu được làm hoành tráng, các tiết mục văn nghệ được dàn dựng công phu, người dân ngồi xem chật kín. “Không chỉ làm phong phú tinh thần, các hoạt động văn hoá, văn nghệ còn giúp tinh thần đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân ngày càng nâng lên. Địa phương có hoạt động gì là nhân dân đều sẵn sàng chung tay. Vừa rồi bầu trưởng thôn, cả 4 thôn trong xã đều thực hiện bầu 1 lần được ngay”, ông Xuân cho hay.
Văn minh
Một điểm chung ở 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu trên là có các thôn đều giữ vững danh hiệu làng văn hoá từ hàng chục năm nay. Mỗi cán bộ, người dân ở những địa phương này đều coi văn hoá là nền tảng để đoàn kết, xây dựng, phát triển quê hương và cùng chung tay thực hiện các tiêu chí.
Hằng năm, các thôn ở 3 xã đều có từ 95% số gia đình đạt danh hiệu văn hoá trở lên. Công tác thanh tra, hoà giải ở cơ sở được thực hiện tốt, cơ bản các thôn không xảy ra tình trạng bạo lực gia đình. Các mô hình bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường… đều được duy trì hiệu quả.
Phong trào lành mạnh hoá việc cưới, việc tang ở các địa phương ngày càng tiến bộ. Ông Nguyễn Đức Minh, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Chi Lăng Nam thông tin: “Hằng năm, tỷ lệ người qua đời ở xã chúng tôi được hoả táng đạt khoảng 60%, riêng thôn Triều Dương đạt trên 80%”.
Theo Quyết định số 2582 ngày 26/9/2022 của UBND tỉnh Hải Dương, để đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về văn hoá giai đoạn 2021-2025, các địa phương cần bảo đảm các tiêu chí:
– 100% số thôn trên địa bàn xã có tối thiểu 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu “Làng văn hóa” tính đến thời điểm đánh giá, đề nghị công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu.
– Xã có điểm vui chơi, giải trí và thể thao phù hợp với trẻ em và người cao tuổi theo quy định.
– Trên địa bàn xã không để xảy ra bạo lực gia đình, có từ 95% trở lên số hộ gia đình được công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa.
– 95% trở lên số hộ gia đình trên địa bàn xã thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; thực hiện nghiêm các quy định của UBND tỉnh về ứng xử văn hóa tại di tích (nếu có).
– Xã có ít nhất 1 mô hình về văn hóa, thể thao tiêu biểu, thu hút từ 70% trở lên số người dân thường trú trên địa bàn xã tham gia và hưởng ứng; mỗi thôn có ít nhất 1 đội hoặc 1 câu lạc bộ văn hóa – văn nghệ, thể thao hoạt động thường xuyên, có hiệu quả.
TIẾN MẠNH
Nguồn: https://baohaiduong.vn/dau-xuan-tham-3-xa-nong-thon-moi-kieu-mau-ve-van-hoa-o-hai-duong-404854.html