Trả lời báo chí sáng 17/1, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh (MAUR) Phan Công Bằng, cho biết hệ thống thiết bị cơ điện, tín hiệu… là những hạng mục thuộc gói thầu số 3 của metro Bến Thành – Suối Tiên. Gói thầu này do công ty Hitachi (Nhật Bản) thực hiện, hợp đồng từ năm 2013 nhưng đến 2020 mới bắt đầu triển khai lắp đặt.
Theo ông Bằng, các hệ thống trên được thiết kế theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Tuy nhiên, điều kiện khí hậu ở TP Hồ Chí Minh lại có một số khác biệt nên những ngày đầu vận hành phát sinh một số lỗi liên quan đến tín hiệu. Trong đó, chủ yếu là ở hệ thống cửa chắn ke ga khi có một số vấn đề chưa hoàn thiện tối ưu để phù hợp thời tiết nóng, ẩm của thành phố, khác nhiều so với khí hậu ở Nhật. Chẳng hạn như khi mưa lớn, hệ thống cảm biến cửa chắn rất nhạy, có thể tự động đóng lại, thay đổi so với quy trình ban đầu.
“Vấn đề này trước đó chúng tôi đã đánh giá trong quá trình vận hành thử, đồng thời việc nghiệm thu cũng được thực hiện có điều kiện (TOC) đối với nhà thầu”, ông Bằng nói, cho biết dự kiến cuối tháng 3 toàn bộ những lỗi liên quan đến hệ thống tín hiệu cửa chắn sẽ được khắc phục.
Ngoài vấn đề trên, lãnh đạo MAUR cũng cho rằng metro Bến Thành – Suối Tiên là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP Hồ Chí Minh. Do vậy, những ngày đầu khai thác chính thức, đội ngũ nhân viên người Việt còn thiếu kinh nghiệm vận hành. Dù đã qua thời gian đào tạo, nhưng ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an toàn cho hành khách nên quy trình vận hành đang được thực hiện rất kỹ lưỡng và thận trọng. Những lỗi phát sinh nhỏ hoặc khi phát hiện một số chi tiết tín hiệu chưa đúng quy trình, các hệ thống, đoàn tàu đều được kiểm tra, đánh giá cụ thể.
Ông Bằng dẫn chứng hôm 27/12/2024, mưa lớn trên diện rộng ở thành phố, lại có sét đánh xuống ga Tân Cảng, Bình Thạnh, metro Bến Thành – Suối Tiên phải tạm ngưng hoạt động để đảm bảo an toàn. Đây là thời điểm tuyến tàu điện mới khai thác được một tuần.
“Sét đánh nên hệ thống an toàn điện của metro được kích hoạt, kéo theo hệ thống tín hiệu cũng thay đổi. Những hoạt động này có thể tự khôi phục lại, nhưng chúng tôi chọn chuyển qua chế độ điều khiển tay để đảm bảo an toàn”, lãnh đạo MAUR nói, thêm rằng ở một số quốc gia, những ngày đầu khai thác metro cũng xảy ra một số lỗi, cần thêm thời gian để hoạt động trơn tru, phù hợp điều kiện thực tế nên mong được hành khách chia sẻ.
Đưa vào khai thác chính thức từ ngày 22/12/2024, metro Bến Thành – Suối Tiên ba lần bị gián đoạn hoạt động trong thời gian ngắn do phát hiện có lỗi tín hiệu cùng mưa lớn, sấm sét. Hoạt động chạy tàu phải tuân thủ yêu cầu về khoảng cách an toàn giữa nhà ga nên một đoàn tàu bị chậm sẽ ảnh hưởng chung tới các tàu khác cũng như hệ thống liên quan.
Metro Bến Thành – Suối Tiên được cấp điện từ hệ thống trên cao – một trong những công nghệ phổ biến trên thế giới nhờ tính an toàn và hiệu suất cao cho tàu điện. Về mức độ tự động hóa, tiêu chuẩn thế giới chia làm 5 cấp (từ GoA0 đến QoA4), metro Bến Thành – Suối Tiên ở cấp độ GoA2 (bán tự động – có chế độ người lái).
Dự án sử dụng hệ thống tín hiệu điều khiển chạy tàu dựa trên thông tin (CBTC), là công nghệ hiện đại đang được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước. Hệ thống này dựa vào truyền thông không dây, truyền thông tin hai chiều theo thời gian thực về vị trí, tốc độ đoàn tàu, khoảng cách giữa các đoàn tàu… để điều khiển chạy tàu.
Sau khi đưa vào vận hành gần một tháng qua, lượng khách đi metro rất lớn, ngày cao điểm hơn 275.000 lượt, đa phần là người đi trải nghiệm vì đang trong giai đoạn miễn phí. Hiện tuyến metro mỗi ngày vận hành 9 đoàn tàu. Hành trình từ ga cuối Suối Tiên (gần Bến xe Miền Đông mới, Thủ Đức) đến Bến Thành, quận 1, khoảng 30 phút. Số lượt tàu và giãn cách mỗi chuyến có thể được điều chỉnh linh hoạt phục vụ nhu cầu thực tế, nhất là cuối tuần hoặc lễ, Tết.
ĐH (theo VnExpress)
Nguồn: https://baohaiduong.vn/vi-sao-metro-ben-thanh-suoi-tien-bi-gian-doan-khi-mua-lon-403248.html