Chùa Thanh Mai (TP Chí Linh, Hải Dương) có tuổi đời gần 700 năm, từng là trung tâm Phật giáo nổi tiếng dưới thời Trần.
Chùa Thanh Mai (TP Chí Linh, Hải Dương) có tuổi đời gần 700 năm. Ảnh: Công Hòa
Chùa Thanh Mai được khởi dựng vào thế kỷ XIV, tọa lạc trên sườn non Phật Tích hay còn gọi là núi Tam Ban (thuộc thôn Thanh Mai, xã Hoàng Hoa Thám, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Đây cũng là vùng đất xung yếu gắn liền với lịch sử quân sự các triều đại trong các cuộc đại chiến chống giặc phương Bắc.
Chùa Thanh Mai là một đại danh lam, một trung tâm phật giáo dưới thời Trần, cùng với hệ thống các chùa thuộc cánh cung Đông Bắc như Yên Tử – Quỳnh Lâm – Côn Sơn – Báo Ân và Vĩnh Nghiêm. Nơi đây gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp của Thiền sư Pháp Loa, vị tổ thứ 2 của Thiền phái Trúc Lâm Tam tổ, khi ngài tu hành, biên soạn kinh, sách về đạo Phật lúc sinh thời.
Chùa Thanh Mai thờ Thiền sư Pháp Loa, vị tổ thứ 2 của Thiền phái Trúc Lâm Tam tổ. Ảnh: Công Hòa
Chùa Thanh Mai có diện tích khoảng 16ha, là một cơ sở thờ tự lớn bao gồm: tam quan, lầu bia, điện Phật, nhà tổ, nhà mẫu, nhà khách, tăng đường và các công trình phụ khác được xây dựng theo kiến trúc thời Trần.
Chùa Thanh Mai được xây dựng theo kiến trúc thời Trần. Ảnh: Công Hòa
Khu vực chùa chính có kiến trúc chữ “Đinh” gồm 7 gian tiền đường, 3 gian hậu cung, có các xà ngang, con rường, giá nghiêng theo kiểu “chồng rường bát đấu”. Đây là loại hình kiến trúc phổ biến vào thời Trần. Phía sau là công trình nhà Tổ thờ Tam Tổ Trúc Lâm và Viên Thông Bảo Tháp nơi chứa xá lị của Thiền sư Pháp Loa sau khi ngài viên tịch.
Viên Thông Bảo Tháp chứa xá lị của thiền sư Pháp Loa. Ảnh: Công Hòa
Gần 7 thế kỷ trôi qua, các kiến trúc của ngôi chùa bị tàn phá bởi thiên nhiên và chiến tranh, các di vật cổ vật hầu như bị hư hại và mất gần hết. Song tại chùa Thanh Mai, hiện còn bảo tồn 7 tấm bia thời Trần và Lê, trong đó, văn bia Thanh Mai Viên thông Tháp bi là tấm bia quý giá nhất, được khắc dựng năm Đại Trị thứ 5 (1362).
Nội dung bia nói về thân thế và sự nghiệp của Đệ nhị tổ Thiền phái Trúc Lâm, về tình hình chính trị, tôn giáo và những hoạt động của Trúc Lâm Tam Tổ: Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang. Thanh Mai Viên Thông tháp bi đã được Chính phủ quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia vào ngày 22.12.2016.
Bảo vật quốc gia Thanh Mai Viên thông Tháp bi (bên phải). Ảnh: Công Hòa
Chùa Thanh Mai được công nhận là di tích cấp quốc gia năm 1992. Ảnh: Công Hòa
Theo bà Nguyễn Thị Chín, người trông coi chùa Thanh Mai, trải qua sự tàn phá của chiến tranh, năm 1980, chùa bắt đầu được đầu tư khôi phục theo từng hạng mục. Năm 1992, chùa Thanh Mai được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và tiến hành trùng tu, tôn tạo thành công trình lớn có giá trị kiến trúc, mỹ thuật cao, mang đặc trưng của thiền phái Trúc Lâm.
Tuy nhiên, với quy mô nhỏ, lại nằm ở vị trí heo hút và đường sá khó khăn, ngôi chùa thường đón ít người ghé thăm, ngoại trừ vào những ngày lễ hoặc dịp Tết.
Công Hòa
Nguồn:https://laodong.vn/du-lich/kham-pha/ngoi-chua-gan-700-tuoi-luu-giu-bao-vat-quoc-gia-o-hai-duong-1429775.html