Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thống nhất nội dung nêu trên tại cuộc họp về hợp nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường, theo thông báo của Văn phòng Chính phủ ngày 19/12.
Như vậy, tên gọi dự kiến của hai bộ sau hợp nhất đã thay đổi so với trước và ngắn gọn hơn. Theo kế hoạch định hướng sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ công bố hôm 6/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường hợp nhất, dự kiến lấy tên mới là Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường.
Tuy nhiên hôm 10/12, Ban Chỉ đạo xây dựng đề án hợp nhất của hai bộ đề xuất tên gọi mới là Bộ Nông nghiệp, Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường.
Hai bộ cho rằng tên gọi sau khi được hợp nhất phải bảo đảm tính kế thừa, bao quát được chức năng, nhiệm vụ cơ bản của hai bộ hiện nay; đồng thời tiếp tục khẳng định sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với vấn đề nông thôn.
Trong thông báo hôm qua 19/12, Phó Thủ tướng giao hai bộ tiếp tục hoàn thiện phương án kiện toàn bộ máy mới sau hợp nhất. Nguyên tắc là một cơ quan có thể thực hiện nhiều việc nhưng một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính.
Hợp nhất hai bộ cần kiện toàn, giải quyết các trùng lắp về nhiệm vụ của các lĩnh vực trong bộ mới và của bộ với các bộ khác. Đơn cử như giao thoa quản lý lĩnh vực nông thôn, tài nguyên nước, hạ tầng giữa Bộ Nông nghiệp và Môi trường với Bộ Xây dựng và Giao thông và các bộ khác.
Việc xác định tên tổ chức sẽ dựa trên chức năng, nhiệm vụ, thể hiện toàn diện hiệu lực, hiệu quả, hiệu năng hoạt động.
Bên cạnh sắp xếp bộ máy, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý bảo đảm chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Hai bộ cũng cần rà soát nội dung giao thoa như thú y với chăn nuôi, thủy lợi với quản lý tài nguyên nước, khí tượng thủy văn với phòng chống thiên tai. Mục tiêu là bảo đảm không chồng chéo nhiệm vụ.
Ban Chỉ đạo xây dựng đề án hợp nhất của hai bộ tiếp thu chỉ đạo nêu trên, hoàn thiện đề án và dự thảo nghị định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ mới, gửi Bộ Tư pháp, Nội vụ thẩm định; trình Ban Chỉ đạo của Chính phủ xem xét, quyết định.
Dự kiến sau khi hợp nhất, Bộ Nông nghiệp và Môi trường có 30 đầu mối, giảm 25 đầu mối so với tổng số 55 đầu mối hiện có trong cơ cấu tổ chức của hai bộ (giảm 45%). Trong đó khối tham mưu tổng hợp giảm 8 đầu mối (giảm 50%); khối quản lý nhà nước chuyên ngành giảm 10 đầu mối so với tổng số 27 đầu mối hiện có (giảm 37,03%); khối các đơn vị sự nghiệp giảm 7 đầu mối so với 12 đầu mối hiện có (giảm 58,33%).
VN (theo VnExpress)
Nguồn: https://baohaiduong.vn/thong-nhat-ten-goi-bo-nong-nghiep-va-moi-truong-sau-hop-nhat-400984.html