Dự án tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu vượt cửa Thuận An có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng.
Công trình dài hơn 7,7km (gồm 2,36km chiều dài cầu qua cửa Thuận An), được khởi công tháng 3/2022. Điểm đầu tuyến tại nút giao Quốc lộ 49B – Cầu Tam Giang, xã Hải Dương và điểm cuối tại nút giao Quốc lộ 49A-49B, phường Thuận An, thành phố Huế.
Theo đại diện chủ đầu tư, sau gần 3 năm, các nhà thầu thi công đã hoàn thành khoảng 75% khối lượng xây lắp hạng mục cầu vượt cửa biển Thuận An. Các nhịp cầu được xây dựng theo phương án lao lắp dầm và đúc bê tông khối dầm liên tiếp từ hai phía (đúc hẫng).
Dự kiến, cầu vượt cửa biển Thuận An sẽ hợp long trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ, hoàn thành xây lắp vào tháng 3/2025.
Điểm nhấn của cầu vượt cửa biển Thuận An là các nhịp ở giữa thi công theo phương án đúc hẫng, được cố định bằng 34 dây văng mỗi đầu.
Các nhịp nằm trên 2 trụ chính là T26 và T27, có độ cao hơn 40m từ mặt nước biển lên đến mặt cầu, hơn 70m lên đỉnh tháp, bảo đảm tàu, thuyền cỡ lớn đi vào cảng Thuận An.
Ông Lê Trung Hiếu, Chỉ huy phó công trường Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương, cho biết đơn vị đang tập trung phương tiện, nhân công hoàn thành các khối đúc bê tông nhịp cầu trên trụ T27.
Tại trụ T26, Công ty Cổ phần xây dựng Tân Nam cũng đẩy nhanh tiến độ thi công, hợp long cầu theo kế hoạch đề ra.
Theo ông Lê Trung Hiếu, mỗi nhịp cầu trên 2 trụ có tổng cộng 25 khối đúc (ký hiệu K1-K25, chiều dài các K là 4m). Nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, các nhà thầu sẽ hoàn thành một khối đúc trong vòng 10 ngày.
“Hiện nay chúng tôi đã đúc bê tông đến K20 và dự kiến hoàn thành K25, hợp long cầu vào dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ”, ông Hiếu chia sẻ.
Hai trụ tháp cao hơn 30m (tính từ mặt cầu) được gắn tổng cộng 136 dây cáp lớn để nâng đỡ mặt cầu. Mỗi sợi cáp lớn là sự liên kết sức mạnh của 29 lõi nhỏ khác nhau, được sản xuất từ các chất liệu đặc biệt.
Đội ngũ công nhân trên công trường cầu vượt cửa biển Thuận An không quản ngại mưa gió, làm việc cả ngày lẫn đêm để hoàn thành dự án trọng điểm.
Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế (chủ đầu tư), cho biết đến nay, tổng vốn bố trí cho dự án đạt hơn 2.200 tỷ đồng, số vốn giải ngân đạt gần 1.700 tỷ đồng.
Theo ông Cường, để tăng tính thẩm mỹ cũng như bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình khai thác, chủ đầu tư đã đề xuất UBND tỉnh Thừa Thiên Huế bổ sung các hạng mục hệ thống camera giám sát, điện chiếu sáng mỹ thuật trên và dưới cầu, hệ thống thoát nước dọc, đầu tư hoàn thiện vỉa hè, hệ thống điện chiếu sáng đoạn tuyến 1B (phía phường Thuận An).
Trong khi hạng mục cầu vượt cửa biển đã gần về đích, đường dẫn 2 đầu cầu còn tương đối ngổn ngang.
Theo đại diện chủ đầu tư, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tiến độ dự án bị chậm là do vướng mắc công tác đền bù giải phóng mặt bằng, nhất là ở phía phường Thuận An với 150 hộ dân đến nay chưa phê duyệt thẩm định đất, phải chờ giá đất cụ thể của UBND thành phố Huế.
Các đơn vị liên quan đang nỗ lực để bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công, bảo đảm hoàn thành toàn bộ dự án theo đúng kế hoạch.
Đầu tháng 1/2025, Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương có hiệu lực. Theo đó, phường Thuận An và xã Hải Dương sẽ nhập lại thành phường Thuận An thuộc quận Thuận Hóa.
Cầu vượt cửa biển Thuận An hoàn thành sẽ giúp việc đi lại, lưu thông hàng hóa của người dân địa phương thuận lợi hơn, tạo động lực để thành phố Huế phát triển kinh tế khu vực đầm phá Tam Giang – Cầu Hai và vùng ven biển.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/cau-vuot-cua-bien-2400-ty-dong-o-hue-se-hop-long-truoc-tet-nguyen-dan-2025-20241209112113156.htm