Học sinh ngồi trong… cốp xe
10 giờ 30 ngày 5/12, tại cổng Trường Tiểu học Lai Cách (Cẩm Giàng), học sinh ùa ra từ cổng trường sau giờ tan lớp. Khoảng chục xe ô tô đủ loại từ 7 chỗ, 16 chỗ, 29 chỗ gồm xe biển trắng và biển vàng… đợi sẵn ở cổng. Một số xe ô tô cũ, màu sơn đã bạc. Có xe đã bị thay đổi thiết kế sàn, đặt thêm ghế nhựa. Có xe lắp kính đen, người bên ngoài rất khó có thể quan sát bên trong.
Từng tốp học sinh rảo bước rời cổng trường rồi khẩn trương lên xe. Chiếc xe biển số 51F-337.42 khiến chúng tôi giật mình bởi sau cánh cửa cốp xe đóng hờ là nhiều học sinh đang ngồi phía trong. Một người đàn ông ngăn cản phóng viên ghi hình và tiếp cận học sinh bên trong xe.
Tương tự, tại cổng Trường Tiểu học Tứ Minh (TP Hải Dương), chiếc xe ô tô đưa đón học sinh màu nâu 34A-662.96 đã được tháo ghế nguyên bản, xếp những hàng ghế băng dài để có thể “nhồi” được nhiều học sinh hơn. Dù có học sinh phàn nàn về việc ngồi chật nhưng lái xe vẫn yêu cầu các em ngồi xích lại để có thể ngồi được nhiều người nhất. Thậm chí, còn có chiếc xe biển xanh cũng được dùng để đưa đón học sinh.
Trên một số xe ô tô đưa đón học sinh, các em đứng ngồi nhốn nháo, kể cả khi xe lăn bánh rời đi có em vẫn ngó nghiêng, thò tay ra ngoài cửa xe… Đương nhiên, các em cũng không được thắt dây an toàn.
Hiện nay, có trường học đầu tư xe đưa đón học sinh, một số trường ký hợp đồng với đơn vị kinh doanh vận tải để đưa đón học sinh. Nhưng cũng có trường hợp ô tô đưa đón học sinh do các phụ huynh tự đứng ra thuê theo thỏa thuận miệng.
Việc phụ huynh tự gom nhóm học sinh cùng khu vực và thuê xe ô tô để đưa đón con đến trường khiến càng khó kiểm soát hoạt động xe đưa đón.
Khó kiểm soát
Tại các tỉnh, thành phố lân cận Hải Dương đã có những vụ việc thương tâm liên quan đến xe đưa đón học sinh. Gần đây nhất, hồi tháng 5/2024, một học sinh mầm non ở Thái Bình bị bỏ quên trên xe đưa đón dẫn đến tử vong. Tương tự, năm 2019, một học sinh lớp 1 ở Hà Nội cũng tử vong sau khi bị bỏ quên trên xe.
Ngày 25/6, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương có văn bản gửi các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND cấp huyện về tăng cường thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông đối với xe ô tô đưa đón học sinh. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Giao thông vận tải phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo rà soát các trường học sử dụng xe ô tô hợp đồng đưa đón học sinh; yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện đúng quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; trách nhiệm của người lái xe khi xe đang hoạt động trên đường.
Các đơn vị phải có phương án kiểm soát bảo đảm không còn hành khách trên xe, người lái xe kinh doanh vận tải hành khách sau khi kết thúc hành trình hoặc kết thúc ca làm việc, trước khi rời khỏi xe phải kiểm tra khoang hành khách để bảo đảm không còn hành khách trên xe.
Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động vận tải hành khách, đặc biệt quan tâm kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các phương tiện xe ô tô đưa đón học sinh.
Thanh tra giao thông tăng cường phối hợp kiểm tra hoạt động kinh doanh vận chuyển, đưa đón học sinh; xử lý nghiêm hành vi sử dụng các phương tiện ô tô chở khách hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định, không bảo đảm an toàn dùng để vận chuyển, đưa đón học sinh.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp rà soát các trường học có hoạt động sử dụng xe ô tô hợp đồng đưa đón học sinh; thường xuyên kiểm tra các cơ sở giáo dục, trường học có hoạt động sử dụng xe ô tô đưa đón học sinh, yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện đúng quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có số liệu chính xác kết quả rà soát xe đưa đón học sinh. Một số trường học cho biết việc thuê xe do phụ huynh tự đứng ra tổ chức, nhà trường không nắm được. Có trường hợp thuê xe cá nhân là người nhà để đưa đón.
Hoạt động xe đưa đón học sinh thiếu cơ chế quản lý chặt chẽ, diễn ra tự phát, chưa gắn trách nhiệm của cơ sở giáo dục đào tạo đã khiến cho hoạt động này khó kiểm soát. Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 với những quy định cụ thể, siết chặt quản lý với xe đưa đón học sinh sẽ góp phần giải quyết những kẽ hở trong chế tài quản lý của loại hình vận tải này.
Không đợi đến khi luật có hiệu lực, cần lập tức siết chặt việc quản lý vận chuyển, đưa đón học sinh bằng xe ô tô.
Tại điều 46, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có quy định, xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em mầm non, học sinh. Phải trang bị thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe. Xe phải có niên hạn sử dụng không quá 20 năm… Lái xe ô tô đưa đón trẻ em mầm non, học sinh phải có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm lái xe vận tải hành khách.
Cơ sở giáo dục phải xây dựng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón trẻ em mầm non, học sinh; hướng dẫn cho lái xe và người quản lý trẻ em mầm non, học sinh nắm vững và thực hiện đúng quy trình.
PV
Nguồn: https://baohaiduong.vn/xe-dua-don-nhoi-nhet-hoc-sinh-399899.html