Anh Tuấn Hùng, đại diện một đơn vị chuyên tour motor ở TP Hồ Chí Minh, cho biết khách nước ngoài thường xuyên thuê xe máy di chuyển trong thành phố hoặc đi dài ngày qua các tỉnh khi du lịch Việt Nam.
Giao thông ở Việt Nam khá khác biệt, khách thuê không nắm luật hoặc kỹ năng có thể bị phạt hay xảy ra tai nạn. Anh Hùng chia sẻ 6 điều khách nên lưu ý nếu muốn di chuyển bằng phương tiện đường bộ này.
Chuẩn bị giấy tờ
Tại các điểm du lịch như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Hội An, Nha Trang không thiếu điểm cho thuê xe máy. Du khách tìm các cửa hàng thuê xe uy tín có thể tham khảo đánh giá trên Google Maps hoặc các trang tư vấn du lịch như TripAdvisor.
Để thuê xe cần có giấy tờ gồm hộ chiếu bản gốc hoặc bản sao công chứng. Giấy phép lái xe cần có bằng lái xe quốc tế (International Driving Permi – IDP) hợp lệ hoặc bằng lái xe đổi sang giấy phép lái xe tương ứng của Việt Nam. Nếu chỉ có bằng lái xe của quốc gia khác, du khách có thể gặp rắc rối khi bị kiểm tra giấy tờ.
Tiền đặt cọc thuê xe thường từ 500.000 đồng đến hai triệu đồng. Du khách không để lại hộ chiếu gốc tại cửa hàng thuê xe, nếu được yêu cầu có thể sử dụng bản sao công chứng. Hộ chiếu gốc cần luôn mang theo bên mình hoặc cất giữ an toàn tại khách sạn.
Du khách cần bảo đảm gói bảo hiểm du lịch bao gồm tai nạn khi lái xe máy. Một số công ty bảo hiểm không chi trả nếu du khách không có giấy phép lái xe hợp lệ.
Chọn loại xe phù hợp
Xe tay ga hoặc xe số là lựa chọn phổ biến khi du khách thuê ngắn ngày, di chuyển dưới 100 km. Xe tay ga dễ điều khiển hơn ở các khu vực đông đúc. Xe số thường tiết kiệm xăng hơn, thích hợp cho các chuyến đi đường dài.
Xe phân khối lớn phù hợp cho những cung đường dài, địa hình khó. Nếu thuê xe trên 175cc, du khách cần có giấy phép lái xe hạng A2, IDP cần ghi rõ quyền lái xe mô tô phân khối lớn.
Xe tay ga có chi phí thuê khoảng 120.000-200.000 đồng; xe số có giá thuê 80.000-150.000 đồng; xe phân khối lớn từ 800.000 đồng mỗi ngày.
Du khách cần kiểm tra kỹ hợp đồng thuê, đọc rõ điều khoản về trách nhiệm sửa chữa khi xe hỏng hoặc tai nạn.
Trước khi nhận xe, du khách cần kiểm tra phanh trước và sau, đèn, còi, xi nhan, gương chiếu hậu. Xăng thường xe chỉ còn một lượng nhỏ, du khách cần đổ thêm ngay sau khi thuê. Chụp ảnh xe trước khi thuê để tránh bị yêu cầu bồi thường cho các hư hại có sẵn.
Khi điều khiển xe
Nhiều du khách nước ngoài nhận xét giao thông ở Việt Nam “lộn xộn”, nhất là tại các thành phố lớn có mật độ phương tiện di chuyển dày.
Du khách chạy xe cần chú ý các xe lớn như buýt, xe tải, những phương tiện này thường không nhường đường; đi đúng làn đường. Hạn chế lái xe ban đêm ở khu vực ít ánh sáng hoặc đường đèo.
Du khách nên mua xăng xe ở các cây xăng chính thức, tránh mua lẻ ven đường vì có thể bị pha loãng.
Nếu bị cảnh sát dừng xe kiểm tra giấy tờ, du khách cần giữ bình tĩnh và lịch sự. Nếu không có giấy phép lái xe hợp lệ, du khách có thể bị phạt hành chính.
Tuân thủ luật giao thông
Luật pháp Việt Nam yêu cầu đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe máy, du khách nên chọn loại chất lượng tốt.
Khi di chuyển cần đi bên phải đường. Tốc độ giới hạn trong thành phố khoảng 40-50 km/h, ngoài thành phố khoảng 60-80 km/h tùy khu vực.
Không vượt đèn đỏ, không đi vào làn đường cấm. Người đi bộ, xe đạp và xe máy khác có thể xuất hiện bất ngờ từ các ngõ hẻm hoặc giao lộ, du khách chú ý giảm tốc độ khi đến đường giao nhau, hoặc dừng lại.
Ở một số khu vực, xe lớn như tải hoặc buýt có xu hướng “được ưu tiên”, nên nhường đường để đảm bảo an toàn.
Du khách cần để ý tín hiệu bằng tay vì nhiều lái xe địa phương dùng tay để ra hiệu thay vì xi nhan.
Tình huống khẩn cấp
Khi xe hỏng, du khách có thể gọi dịch vụ sửa xe trực tuyến, tìm kiếm các cửa hàng ven đường hoặc gọi điện về đơn vị cho thuê nhờ hỗ trợ.
Trong trường hợp gặp tai nạn giao thông, du khách cần giữ bình tĩnh, chụp ảnh hiện trường và gọi 113 (cảnh sát) hoặc 115 (cấp cứu).
Nếu không muốn gây rắc rối pháp lý, du khách cố gắng giải quyết nhẹ nhàng tại chỗ, nhưng không chấp nhận lỗi nếu chưa rõ nguyên nhân.
Kinh nghiệm thực tế
Du khách nên đổ xăng sớm vì một số khu vực nông thôn hoặc miền núi, trạm xăng khá thưa. Luôn đổ đầy bình trước khi di chuyển xa.
Tránh các khu vực cấm. Ở các thành phố lớn, một số làn đường hoặc tuyến đường chỉ dành cho ôtô, lái xe máy nhầm đường có thể bị phạt nặng.
Chú ý thời tiết. Mùa mưa ở một số điểm du lịch thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10, khiến đường trơn trượt. Nếu không quen, tránh lái xe khi trời mưa lớn.
Giữ đồ dùng cá nhân an toàn. Không để túi xách hoặc đồ có giá trị trong giỏ trước của xe, vì có thể bị cướp giật.
TB (theo VnExpress)
Nguồn: https://baohaiduong.vn/6-luu-y-cho-khach-thue-xe-may-o-viet-nam-399484.html